Hội nghị BCH Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam lần thứ 3 năm 2022
Hội nghị BCH Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam lần thứ 3 năm 2022
Theo dõi MTĐT trên
Ngày 17/12/2022, Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ III để tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Tới tham dự có ông Hà Quang Dự, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục, Thể thao; Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; TS. Bế Trường Thành, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam, cùng các Ủy viên Ban thường vụ; Ban Chấp hành khóa 2 – Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam (VAMEDA).
Theo báo cáo tại Hội nghị BCH lần thứ 3 năm 2022, ngày 18/12/2021, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành (gồm 27 Ủy viên); Ban Thường vụ ( 9 Ủy viên) và Ban Kiểm tra (gồm 3 Ủy viên).
Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Hội đã tổ chức Hội nghị lần thứ I, đề ra nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của Ban Chấp hành.
Ngày 5/3/2022, Ban Chấp hành Hội tổ chức Hội nghị lần thứ II với nội dung: Kiện toàn tổ chức Hội và thống nhất một số hoạt động chủ yếu trong năm 2022. Hội nghị đã thống nhất phân công thành viên Ban Thường vụ, thành lập 8 đơn vị chuyên môn và bổ nhiệm 8 Trưởng đơn vị; Thảo luận các Quy chế: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Quy chế hoạt động của Ban Kiểm tra, Quy chế quản lý tài chính Hội; thảo luận, cho ý kiến 6 Đề án thành lập Tổ chức trực thuộc Hội; đồng thời Ban Chấp hành Hội cũng đã thống nhất triển khai một số hoạt động chủ yếu trong năm 2022. Cụ thể:
Về công tác quản lý, điều hành: Hội đã ban hành Thông báo số: 11/TB-BCH ngày 6/3/2022 về nội dung Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ II; Ban hành Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Hội nhiệm kỳ 2021-2026; Ban hành 3 Quy chế hoạt động của Hội: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Quy chế hoạt động của Ban Kiểm tra, Quy chế quản lý tài chính Hội. Hội cũng đã kiện toàn công tác cán bộ của Cơ quan đại diện phía Nam (bổ nhiệm 03 Phó Trưởng Cơ quan đại diện)
Ngay sau khi Đại hội, Hội đã có công văn gửi Bộ Nội vụ về sửa đổi tên Hội và sửa đổi Điều lệ. Ngày 11/8/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định 604/QĐ-BNV về việc cho phép đổi tên Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi thành Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam.
Ngày 30/8/2022, Chi bộ Đảng đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt Chi bộ gồm 03 Đảng viên. Tiến sĩ Lò Giàng Páo (Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban kiểm tra) được chỉ định làm Bí thư Chi bộ.
Thời gian qua, Hội đã làm việc và có văn bản gửi Uỷ ban Dân tộc Chính phủ về việc phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội; công tác đào tạo, bổi dưỡng, tuyên truyền, vận động trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025.
Trong quý 1/2023 tới đây, Hội sẽ phối hợp với một số cơ quan đơn vị tổ chứcHội thảo khoa học: “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ”.
Để chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Hội (8/9/2013-8/9/2023), tới đây, Hội sẽ phát động và tổ chức cuộc thi ảnh và thi viết về phát triển kinh tế , xã hội miền núi. Đồng thời Hội cũng sẽ tiến hành tổ chức trao giải thưởng tôn vinh các đơn vị, doanh nghiệp, các điển hình tiên tiến trong công tác phát triển kinh tế, xã hội miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể:
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Dự án hướng tới mục tiêu: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Phấn đấu đạt 90% hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương được giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề. Góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và địa bàn sinh sống.
Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.
Dự án nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.
Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Dự án gồm 3 tiểu dự án: Tiểu dự án Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiểu dự án nhằm hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tiểu dự án Phát triển kinh tế xã hội – mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược.
Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.
Dự án gồm 2 tiểu dự án: Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư đường đến trung tâm xã và cứng hóa đường đến trung tâm xã, liên xã, cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Tiểu dự án Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc nhằm củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh dân tộc thiểu số để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người dân tộc thiểu số.
Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Dự án 5 gồm 4 tiểu dự án:
Thứ nhất: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiểu dự án nhằm củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy – học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.
Thứ hai: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiểu dự án nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ ba, Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiểu dự án nhằm ở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.
Thứ tư, Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Tiểu dự án nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình (bao gồm: Quy trình triển khai dự án, tiểu dự án của Chương trình; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện), các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung liên quan khác cho cán bộ cơ sở thực hiện Chương trình cấp xã và cấp thôn.
Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Dự án hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Dự án hướng tới mục tiêu: Cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Dự án hướng tới mục tiêu: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.Dự án gồm 2 tiểu dự án:
Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù nhằm: Xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) gắn với bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm: huyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa – xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2025; Giảm bình quân 2% – 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% – 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình. Dự án gồm 3 tiểu dự án:
Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tiểu dự án hướng tới mục tiêu: Xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.
Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiểu dự án hướng tới mục tiêu: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới.
Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình. Tiểu dự án hướng tới mục tiêu: Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị