Hội LHPN Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường

Hội LHPN Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường

Thời gian qua, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Nhằm hạn chế việc xả rác thải nhựa độc hại ra môi trường, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực sử dụng các sản phẩm làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường, phân loại rác từ đầu nguồn.

Giờ đây, chị em ở thôn Dung, xã Hương Gián (Yên Dũng) đều có thói quen dùng làn nhựa để đựng thực phẩm khi đi chợ thay vì các túi ni-lông như trước. Chiếc làn nhựa là món quà của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tặng hội viên chi hội phụ nữ thôn khi triển khai mô hình điểm của tỉnh về phân loại, ngăn ngừa rác thải nhựa. Mô hình có 150 hội viên tham gia sinh hoạt vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật hằng tuần để tuyên truyền, hướng dẫn thành viên phân loại, xử lý rác thải tại nhà, chăm sóc cây xanh. Hoạt động này góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân. Hiện nay, không chỉ ở thôn Dung, nhiều nơi khác trên địa bàn huyện, hội viên đều tích cực hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nhiều mô hình được xây dựng, triển khai như: “Phụ nữ sống xanh” ở thị trấn Nham Biền, “Phụ nữ nói không với túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần” tại thị trấn Tân An, “Phụ nữ thu gom phế liệu, tặng sinh kế hội viên nghèo” ở xã Cảnh Thụy…

Phòng, chống rác thải nhựa: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Hội viên phụ nữ tổ dân phố Nghĩa, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) thu gom phế liệu gây quỹ hội.

Tại TP Bắc Giang, một trong những cách làm sáng tạo của Hội LHPN TP nhằm giảm thiểu rác thải nhựa là vận động các hộ tiểu thương ở một số chợ trừ tiền hàng cho khách không sử dụng túi ni-lông. Chị Đỗ Thị Thư, tiểu thương ở chợ Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ là một trong gần 20 người tham gia mô hình trên. Số tiền trừ chẳng đáng là bao nhưng ai cũng vui vẻ vì hành động nhỏ đó đã góp phần bảo vệ môi trường. Mới đây, Hội LHPN TP còn ra mắt 10 mô hình phụ nữ phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường với 245 thành viên; tổ chức các chương trình đổi rác thải nhựa lấy chế phẩm sinh học, quạt mát, gây quỹ hỗ trợ sinh kế cho hội viên hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 260 triệu đồng. Qua các hoạt động đã tạo sự lan tỏa, huy động ngày càng đông hội viên phụ nữ, người dân tham gia.

Là huyện có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh nên số lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật cần xử lý tại huyện Lục Ngạn khá lớn. Để góp sức cùng chính quyền địa phương, hạn chế rác thải độc hại xả ra môi trường, Hội LHPN huyện thường xuyên chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức truyền thông, tuyên truyền về thực trạng và hiểm họa từ rác thải nhựa cho hội viên; nhất là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhà hàng, thuốc bảo vệ thực vật, tiểu thương ở các khu chợ.

Từ đó chị em hiểu hơn về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường, hạn chế dùng các sản phẩm từ nhựa độc hại khi mua, bán. Trong quá trình triển khai, hội phụ nữ các xã, thị trấn còn lồng ghép hoạt động phòng, chống rác thải nhựa vào cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, đường hoa tự quản, thu gom phế liệu, chất thải nhựa gây quỹ… Qua đó góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm của khí bụi và sản phẩm nhựa một lần, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, thời gian qua, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Đề án 1553). Từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh tổ chức gần 5,5 nghìn buổi ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại và bán rác tái chế được gần 300 triệu đồng; tặng gần 4 nghìn làn nhựa, thùng, xô để đi chợ và phân loại rác. Đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa” và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thói quen, nếp sống xanh- sạch- bền vững trong hội viên và nhân dân.

Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức gần 5,5 nghìn buổi ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại và bán rác tái chế được gần 300 triệu đồng; tặng gần 4 nghìn làn nhựa, thùng, xô để đi chợ và phân loại rác.

Là đơn vị triển khai điểm của Hội LHPN huyện Hiệp Hòa về mô hình này, sau hai năm, hầu hết các hộ trên địa bàn thị trấn Bắc Lý đều phân loại rác ngay từ đầu nguồn thành 3 loại và bố trí vật dụng đựng riêng biệt. Rác vô cơ được đựng trong thùng ủ dung tích lớn trong vườn hoặc sân nhà để thuận tiện cho việc ủ phân bón, tưới cây. Thùng đựng rác vô cơ được đặt ngoài cửa để các đơn vị thu gom mang đi xử lý. Đối với nhựa tái chế, các chị gom vào thùng các – tông và đem đến nhà văn hóa vào ngày Chủ nhật hằng tuần. Đây là hoạt động “tiết kiệm xanh” của phụ nữ thị trấn mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động hội. Từ hiệu quả của mô hình điểm ở thị trấn Bắc Lý, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn nhân rộng mô hình, phấn đấu từ nay đến cuối năm nhân rộng ra 100% xã, thị trấn. Để khuyến khích cấp hội cơ sở tích cực thực hiện, Hội LHPN huyện hỗ trợ thùng ủ, chế phẩm sinh học và hướng dẫn cách xử lý rác hữu cơ cho các hộ tham gia.

Nhằm tiếp tục hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 1553, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN 10 huyện, thị xã, TP tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm 1 năm triển khai thí điểm mô hình xây dựng gia đình theo tiêu chí “5 có 3 sạch”, “Chi hội phụ nữ 5 có, 3 sạch”. Đồng thời đánh giá hiệu quả tác động, mức độ chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác bảo vệ môi trường trong hội viên, phụ nữ. Từ đó lựa chọn những mô hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng, thanh loại những mô hình kém hiệu quả. Bên cạnh đó, vận động hội viên tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích