Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hướng tới bước phát triển mới

Trong cả quá trình xây dựng và phát triển, hội luôn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển và góp ý, tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển làng nghề. Những năm qua, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi của hội ngày càng phát triển về số lượng và trình độ, góp phần bảo tồn, phát huy nghề sản xuất lụa truyền thống.

Hiện tại, hội có đội ngũ 112 hội viên, gồm những thợ thủ công có tay nghề khá và các nghệ nhân, trong đó có 05 nghệ nhân Hà Nội, 14 nghệ nhân làng nghề Việt Nam và 57 thợ thủ công giỏi. Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đến nay cũng đã thành lập được 05 doanh nghiệp, 156 hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề.

Ra mắt Ban lãnh đạo Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

Trong nhiệm kỳ 2018-2024, Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án của Quận ủy Hà Động cũng như của Thành ủy Hà Nội về phát triển làng nghề, như: Chương trình 05-CTr/QU của Quận ủy Hà Đông về “Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, di tích lịch sử – văn hóa góp phần phát triển kinh tế – xã hội quận Hà Đông giai đoạn 2020-2025”. Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;

Hội cũng đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động gắn kết việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, gắn với hoạt động xúc tiến du lịch trên địa bàn. Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực nghề. Thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đảm bảo môi trường cho làng nghề phát triển; tăng cường nguồn nhân lực phục vụ du lịch; Hỗ trợ xây dựng, đăng ký, quản lý và phát triển thương hiệu làng nghề, hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; Huy động vốn đầu tư từ nguồn xã hội hoá cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển hệ thống làng nghề trên địa bàn quận.

Với những thành tích đã đạt được, Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng cho tập thể và các cá nhân, như: Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Bằng khen của Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Bằng khen của Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc,…

Hướng tới những bước phát triển mới trong thời gian tới, ngày 26/10 vừa qua, Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2024-2029. Tại Đại hội, các hội viên chính thức đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Hội gồm 15 ủy viên. Ông Nguyễn Văn Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Ông Trịnh Quốc Đạt- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng hoa chúc mừng Đại hội 

Ban Chấp hành hội xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là: sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá làng nghề Vạn Phúc qua nhiều kênh thông tin. Bám sát quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển du lịch làng nghề theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, quận Hà Đông và phường Vạn Phúc, xác định nền tảng “Du lịch phục vụ phát triển kinh tế”, với mục tiêu là người người, nhà nhà đồng thuận cùng chính quyền địa phương tham gia đóng góp sức người, sức của vào việc triển khai thực hiện kể hoạch phát triển du lịch làng nghề. Phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh trên địa bàn đông thuận, phối hợp cùng chính quyền địa phương trong việc duy trì tổ chức Tuần Văn hóa- du lịch – thương mại làng nghề.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo và tranh thủ sự hỗ trợ của các Sở ban ngành của Thành phố Hà Nội, quận Hà Đông, phường Vạn Phúc và các cơ quan báo chí, truyền thông trong quá trình tham mưu thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội và Chương trình 05 – Ctr/QU của Quận ủy Hà Đông trên địa bàn phường đạt hiệu quả cao.

Các đại biểu tham dự Đại hội

Đồng thời, hội chủ trương tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, sản phẩm làng nghề và các sản phẩm đồ lưu niệm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Phấn đấu duy trì, phát triển hội viên; tổ chức tốt các hoạt động đào tạo, tham quan, học tập kinh nghiệm cho hội viên; Tăng cường công tác đào tạo nghề, trẻ hóa đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi. Cạnh đó đẩy mạnh việc quảng bá, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề; tìm kiếm các nguồn hỗ trợ phù hợp với quy định của pháp luật để góp phần phát triển làng nghề ngày càng vũng mạnh.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích