Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị rà soát pháp lý quy hoạch khu đồi Dinh, Đà Lạt
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị rà soát pháp lý quy hoạch khu đồi Dinh, Đà Lạt
“Đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt, nơi hệ thống di sản đã trở thành linh hồn nơi chốn”, công văn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng khu vực đồi Dinh để chọn giải pháp chuẩn mực, hướng tới giữ được diện tích khoảng xanh và làm thế nào để ký ức không bị vỡ vụn. “Đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt, nơi hệ thống di sản đã trở thành linh hồn nơi chốn”, công văn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa có công văn số 173 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh, thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hoà Bình, thành phố Đà Lạt. Theo đó, Hội đề nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cần có sự nghiên cứu rà soát lại thật thận trọng, thực hiện chặt chẽ quy trình pháp lý để quyết định giải pháp hợp lý nhất.
Góp ý trực tiếp cho 3 phương án kiến trúc tại đồi Dinh, trong đó có phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết đã có văn bản số 86 ngày 15.9.2020 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc Sở Xây dựng (đề nghị không xây công trình khách sạn trên đồi Dinh – PV).
Trong hồ sơ của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Hội kèm công văn số 7689 ngày 27.10.2021, về việc góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hoà Bình, các phương án vẫn như Hội đã có văn bản. Vì vậy, Hội chưa đủ cơ sở nghiên cứu để tham gia ý kiến mới.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát để lý giải đầy đủ nội dung thể hiện theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung số 704 ngày 12.5.2014. Đặc biệt là tinh thần thể hiện tại các điều I, mục 6, mục 8.
Ngoài ra, Quyết định số 229 ngày 12.2.2019 về phê duyệt chi tiết quy hoạch và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hoà Bình có nội dung tại mục 3, 3.1, Phân khu III là chưa phù hợp. Vì việc lập và phê duyệt quy hoạch này yêu cầu phải đồng thời thực hiện trên cơ sở tuân thủ Luật Di sản văn hoá hiện hành.
Dinh Tỉnh trưởng và khu đồi Dinh thời điểm quy hoạch vẫn thuộc danh mục công trình văn hoá bảo tồn theo Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo quy định, công trình chỉ có thể chuyển đổi trạng thái sau khi đã có quyết định thay đổi mới của chính cấp đã phê duyệt xếp loại.
“Tiến trình lập quy hoạch – kiến trúc không gian khu vực này cần rà lại thủ tục chọn đấu thầu hay thi tuyển theo luật định. Vì ngoài quy định quy mô và mức kinh phí tư vấn, tính chất đặc biệt về yêu cầu kiến trúc tại đây đã được đặt ra từ đầu, trong quyết định phê duyệt các cấp về quy hoạch cho khu vực”, công văn của Hội đề nghị.
Đới với công trình khách sạn đồi Dinh, nếu thực hiện, Hội cho rằng cần một quy trình chuẩn các bước theo Luật Xây dựng và Luật Kiến trúc hiện hành, dù phương thức tuyển chọn hay thi tuyển. Với quy mô, tính chất và đặc biệt là tầm quan trọng về đóng góp không gian cho khu vực đặc biệt của đô thị Đà Lạt, thì phương án thi tuyển bài bản là một hướng đi phù hợp để tuân thủ đúng pháp lý và chuyên môn. Cuộc thi nên gắn kết cùng quy hoạch kiến trúc chung khu vực Hoà Bình thành một hệ thống nghiên cứu.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Dinh Tỉnh trưởng tuy là một công trình về mặt kiến trúc không có đặc sắc, cũng không tiêu biểu cho Kiến trúc xưa Đà Lạt; về mặt lịch sử cũng chưa phải là di tích nằm trong tiêu chí di tích lịch sử văn hoá theo Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên, về mặt giá trị lịch sử tồn tại, tinh thần nơi chốn thì đã mang một ý nghĩa hiện hữu không thể phủ nhận. Do đó việc ứng xử tiếp theo cần bài bản thận trọng, tuân thủ chặt chẽ quy trình pháp lý.
“Khu vực đồi Dinh càng có vị trí đặc biệt, đây là đỉnh đồi cao nhất ở trung tâm thành phố, đó cũng là nơi hội tụ nhiều yếu tố đắc địa. Vì vậy mà khi quyết định xây dựng Đà Lạt thành một đô thị, người Pháp đã chọn đỉnh đồi này để đặt “trụ sở cai quản”. Màu xanh và hình dáng “đồi Dinh” đã đóng vai là một viên ngọc quý giá, kiến tạo không gian đặc sắc.
Dù giờ đang dường như bị lãng quên trong sự trở mình vươn tới của đô thị, do một thời gian quá dài không được quan hữu. Việc đánh thức cần cân nhắc kỹ lưỡng để chọn giải pháp chuẩn mực, hướng tới giữ được diện tích khoảng xanh và làm thế nào để ký ức không bị vỡ vụn. Đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt, nơi hệ thống di sản đã trở thành linh hồn nơi chốn”, công văn của Hội bày tỏ.
Với riêng phương án kỳ vọng của tỉnh Lâm Đồng, về khía cạnh chuyên môn, Hội cho rằng cần cân nhắc xem xét: Việc định đưa một công trình xưa không hội tụ tiêu biểu về mặt phát triển lịch sử – kinh tế – chính trị – xã hội – văn hoá lên cao như “một đền thờ tôn vinh” tại ngay trung tâm đô thị là khó thoả đáng.
Chưa nói, việc đó không đúng pháp lý về cách ứng xử công trình định bảo tồn, lại tốn kém, lãng phí đầu tư nếu muốn giữ nguyên bản. Ngọn đồi nhân tạo mới, dạng ruộng bậc thang cũng là một hình ảnh chưa mang tính bản địa sâu xa ở vùng đất. Không dễ giữ cho hồn cốt đô thị khu vực được nguyên lãng, an nhiên.
“Cùng sự tải gánh quy mô cao rộng, đồ sộ như nhiệm vụ đặt ra cho đồ án đồi Dinh có phải là quá sức? Làm khó cho các nhà chuyên môn kỹ thuật xây dựng kiến trúc? cũng là một yếu tố cần có mặt trong nhìn lại và suy ngẫm để đưa đến giải pháp. Nên chăng, nghiên cứu thêm tính khả thi, khai thác hài hoà, tính đến yếu tố ngầm hoá, nhất là các không gian lớn như hội nghị, quán ăn… kết hợp với chiều cao có thể dung nạp, không tranh chấp với công trình hiện hữu (khi cần giữ lại) với cách chọn phương án phân tán hoặc biến ảo phản chiếu”, công văn của Hội cho biết.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc giữ gìn truyền thống, kết hợp với phát huy làm mới đối với mỗi đô thị là vấn đề sống còn nếu muốn phát triển.
“Truyền thống xây dựng kiến tạo nơi cư trú và hoạt động của ông cha ta, đời sau xếp lớp lên đời trước ở những vùng linh kiệt là lẽ thường. Tuy nhiên, khi tiến hành từng vị trí, khu vực cụ thể cần có một bài toán cân bằng nhiều thông số giải quyết thoả đáng, phù hợp nguyện vọng nhân dân, đáp ứng hiệu quả sự lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là phải hướng tới tăng trưởng giàu mạnh và bền vững”, văn bản của Hội bày tỏ.
Phần lớn các đề nghị nói trên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng là những vấn đề Người Đô Thị đã từng đặt ra, khi thông tin về phương án kiến trúc khu đồi Dinh và quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt.
Trong các bài viết đăng trên Người Đô Thị mới đây, các kiến trúc sư, cán bộ đang làm công tác quy hoạch đô thị đã chỉ ra những khuất tất về pháp lý của quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình cần phải được rà soát lại:
Thay đổi mục đích sử dụng đất từ “xây dựng cơ sở văn hóa” sang “hỗn hợp” trong quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình là không có cơ sở pháp lý; Biến khu đất đồi Dinh thành công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và giao tư nhân quản lý là trái quy định pháp luật; Công tác lập quy hoạch chưa thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 của nghị định số 37 ngày 7.4.2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị: “Các khu vực trong thành phố, thị xã phải được lập quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết”…
Ngoài ra, cần ra soát lại phương thức đầu tư khu Hòa Bình. Kết luận thanh tra đã yêu cầu chấn chỉnh công tác đấu thấu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nên cần thiết phải làm rõ tư cách pháp lý của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh khi tham gia vào Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình ngay từ đầu.
Một số ý kiếnvềquy hoạchkhu trung tâmĐà Lạt trênNgười Đô Thị
GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính: “Phải giữ cho được trung tâm – hạt nhân vô cùng đặc sắc của thành phố Đà Lạt là Hồ Xuân Hương và vùng đất bao quanh khỏi những công trình mới, như trung tâm thương mại (việc đã rồi), như dự án xây dựng khách sạn đồ sộ ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng… Không thể xây dựng đô thị – di sản. Lịch sử tạo nên và lưu lại Đà Lạt – đô thị di sản. Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền, trở thành đô thị có di sản đô thị mà thôi…” (xem tại đây).
TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Không gian khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực…” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục: “Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố” mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng…” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên: “Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt. Hãy nhìn từ giá trị cốt lõi của Đà Lạt, tiềm năng thực sự và những tiêu chí cần đạt được khi phát triển. Chắc chắn khi đó Đà Lạt sẽ có quyết định thông minh hơn, phù hợp hơn với đặc thù của đô thị” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng: “Việc lựa chọn phương án biến đồi Dinh ở Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt thành tổ hợp khách sạn, thương mại cao tầng là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà thành phố này đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình. Có thể coi đó là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiên, đồng thời tước đoạt không gian xanh cuối cùng – cũng là không gian có giá trị nhất về cảnh quan của Khu trung tâm Hòa Bình…” (xem tại đây)
PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan: “Chính quyền Đà Lạt cần hiểu rằng thành phố này có nhiều yếu tố đặc thù, duy nhất, có tiềm năng trở thành một đô thị di sản, điều rất hiếm hoi trong tổng số hơn 800 đô thị Việt Nam hiện nay. Họ đang sở hữu một gia tài quý để phát triển thành phố lâu dài, bền vững, cho người dân Đà Lạt và cả quốc gia…” (xem tại đây).
TS. Nguyễn Hồng Hạnh: “Đối với những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về di sản, văn hóa, lịch sử như Khu Hòa Bình của Đà Lạt, chính quyền nên có một ứng xử khác, cần có trách nhiệm hoàn lại cho doanh nghiệp đã bỏ kinh phí ra tài trợ thực hiện đồ án quy hoạch, cho dù có theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Nên dùng tiền ngân sách địa phương cho việc nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định pháp luật” (xem tại đây).
KTS. Cao Thành Nghiệp: “Không thể sửa sai bằng việc tiếp tục làm cho cái sai ngày càng trầm trọng hơn. Bộ mặt đô thị khu trung tâm nhếch nhác thì đánh giá nhếch nhác ở điểm nào, cần chỉnh trang thiết kế cải tạo dựa trên cái đẹp, cái vốn có, chứ không thể bằng mọi giá đổi đất lấy hạ tầng. Sao có thể xây dựng trên đỉnh đồi cao nhất của khu trung tâm Đà Lạt (1525m) một công trình 10 tầng với hình thức kiến trúc như một khối bê tông quấn lấy công trình di tích cao hai tầng nằm kế bên?” (xem tại đây).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị