Học tập và làm theo đạo đức của Bác để ngày càng hoàn thiện bản thân hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao

Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người viết “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác không phải cái gì cao xa mà bằng công việc chúng ta thường làm hàng ngày. Rèn luyện đạo đức cách mạng là việc làm cần thiết và thường xuyên của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của con người, sinh thời Bác Hồ đã nói “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” mỗi người trong cơ quan muốn có đạo đức tốt thì phải chịu khó thường xuyên học tập rèn luyện để “phần tốt của mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân”, quá trình tu dưỡng rèn luyện cũng chính là tự hoàn thiện mình để sống tốt với đồng nghiệp, làm việc có hiệu quả hơn, sống có ích cho gia đình và cho xã hội, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cơ bản của con người, nếu bốn đức này tốt sẽ dẫn đến hành động cũng chí công, vô tư, vì thế là một cán bộ, viên chức trong ngành Ngân hàng để phục vụ tốt cho khách hàng, đảm bảo an toàn kho quỹ đòi hỏi phải có đức tính cần cù, thận trọng, tận tụy, thật thà, liêm khiết đây là đòi hỏi khách quan của người cán bộ viên chức Ngân quỹ ngân hàng, vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên phải thường xuyên tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để thật sự là “công bộc” của nhân dân, bỡi vì “đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bĩ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” Con người có đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư thì có bản lĩnh vững vàng để “ khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…”, tiền tài vật chất cám dỗ cũng không sa ngã.

Do đặc điểm của đơn vị là lúc nào cũng phải đảm bảo an toàn kho quỹ nên đức tính thật thà, liêm khiết được đưa lên hàng đầu vì vậy “tự mình phải”  tu dưỡng đức tính khiêm tốn, nhã nhặn tôn trọng khách hàng, khiêm tốn học hỏi nâng cao kỷ năng nghiệp vụ chuyên môn để ngày càng hoàn thiện chuyên môn, còn “đối với người” nhất là người cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý phải luôn chân thành yêu thương, tận tình giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp , khoan dung, độ lượng để quy tụ tập hợp mọi người trong cơ quan tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động để cùng hoàn thành nhiệm vụ theo nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, gương mẫu đi đầu “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đối với công việc phải “tận tụy” nhân viên làm công tác thu ngân  phải thật sự cần mẫn, tỉ mỉ, thận trọng, bảo đảm độ chính xác cao trong từng khâu, từng việc; hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra. Chính vì vậy, người cán bộ viên chức làm công tác này càng phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời Bác Hồ dạy: “Đối với công việc, phải tận tụy”.

Người cán bộ lãnh đạo tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng cũng chính là xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, Đảng ta đang đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng, tìm trăm mưu nghìn kế, hình thành nhóm lợi ích để đục khoét của công, xâm hại tài sản của nhà nước và của nhân dân thì việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần thiết có ý nghĩa trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trước nguy cơ không ít cán bộ, đảng viên sa vào ăn chơi, hưởng thụ, quan liêu, tham nhũng, để thõa mãn ham muốn cá nhân, làm giàu bất chính, họ đã tìm mọi cách đục khoét ngân sách nhà nước, vô cảm kiếm tiền bất chính trước mất mác đau thương do dịch bệnh gây ra cho người dân. Gần đây những đại án tham nhũng tiêu cực trăm tỷ, nghìn tỷ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã để lại hậu quả nặng nề mà không dễ gì khắc phục trong một sớm một chiều, nhưng nỗi đau lớn nhất là lòng tin của dân đối với Đảng, đối với chế độ hội chủ nghĩa đã bị xói mòn mà phải rất lâu mới lấy lại được.

Đối với người lãnh đạo, người quản lý thì cần, kiệm, liêm, chính còn phải được thể hiện ở tính nêu gương bằng hành động cụ thể, thống nhất giữa nói và làm, vì “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”, mỗi cán bộ lãnh đạo trong cơ quan phải nêu gương bằng hành động, việc làm cụ thể từ việc nhỏ nhất như chấp hành nghị quyết của chi bộ, nội quy, quy định của ngành, không được nói một đằng làm một nẻo, hứa mà không làm. Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, cho nên sự nêu gương, thống nhất giữa nói đi đôi với làm trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường của mỗi cán bộ, đảng viên là việc làm cần phải nghiêm túc thực hiện. Cán bộ lãnh đạo phải nêu gương trước cấp dưới, đảng viên phải nêu gương trước quần chúng làm theo. Nêu gương không chỉ góp phần làm đẹp hơn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn trở thành những hạt giống tốt, là những điển hình mực thước trong rèn luyện đạo đức cách mạng để mọi người cùng phấn đấu, học tập làm theo.

Là một lãnh tụ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh xa lạ với quyền lực, Hồ Chí Minh coi việc mình làm Chủ tịch nước là do nhân dân ủy thác cho, là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp cách mạng là bắt đầu giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho những người yêu nước, cho thanh niên, quần chúng nhân dân, chủ yếu là cho đảng viên và cán bộ”. Suốt đời, Bác quan tâm việc đó và chính Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục đạo đức cách mạng mà còn là hiện thân của việc thực hành đạo đức cách mạng.

Để góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan hãy xem việc học tập đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là việc làm cần thiết như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Trời có bốn mùa: xuân-hạ-thu-đông; đất có bốn phương: đông-tây-nam-bắc; người có bốn đức:cần, kiệm, liêm, chính… Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người.” Điều này được Bác nhắc lại trong bản Di chúc bất hủ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn, mỗi ngày, mỗi người hãy cố gắng làm thêm một việc tốt, có ích cho mình, cho cơ quan, có lợi cho dân, cho nước. Nếu ai cũng làm được như vậy thì chắc chắn sẽ tạo thành một động lực mạnh mẽ, làm chuyển biến nhanh hơn nữa, tích cực hơn nữa mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và cơ quan nói riêng, đó vừa là cơ hội để mỗi người tự hoàn thiện mình và cũng là trách nhiệm đối với mỗi chúng ta, để cùng nhau “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, góp phần cảm hóa mọi người xung quanh cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Mỗi chúng ta hãy học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất để trở thành người tốt, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển và để cảm nhận được câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “ Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Trần Thị Kim Loan

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích