Học sinh lớp 1 học theo chương trình mới nổi trội hơn về một số mặt
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&DT) tổ chức vào sáng 12/8. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GD&ĐT, 63 điểm cầu tại 63 Sở GD&ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.
Theo Bộ GD&ĐT, tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, tất cả trường Tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định. Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học CTGDPT 2006. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ I, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ II. Đây là thành quả từ những nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân nhà giáo, học sinh, phụ huynh và tập thể nhà trường, các địa phương cũng như toàn ngành Giáo dục.
Kế hoạch dạy học môn học lớp 1 được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và trình độ học sinh. (Ảnh minh họa) |
Khi triển khai CTGDPT 2018, từ chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Kế hoạch dạy học môn học lớp 1 được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và trình độ học sinh. Sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn.
Quá trình dạy học, đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn đã chủ động trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống và giảng dạy cho học sinh. Bộ GD&ĐT cũng kịp thời chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng. Theo đó, sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đã có một số chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn.
Đối với các lớp đang thực hiện CTGDPT 2006, từ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học trò. Nội dung chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là đối với các môn học bắt buộc được rà soát theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp; tinh giản nội dung trùng lặp và tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Để triển khai hiệu quả tính kết nối của CTGDPT 2006 và CTGDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện kế hoạch giáo dục lớp 5 học kì II năm học 2020-2021 và được cơ sở giáo dục Tiểu học nghiêm túc triển khai. Thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh (trong đó có các nội dung bổ sung, các hình thức lồng ghép, tích hợp) chương trình lớp 5 có ý nghĩa quan trọng đối với việc đáp ứng chương trình lớp 6 sẽ được dạy theo CTGDPT 2018 từ năm học 2021-2022 này. Các giáo viên và cán bộ quản lý thông qua đó cũng nâng cao nhận thức và hình thành năng lực điều chỉnh các nội dung dạy học trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của chương trình và phù hợp điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục, dạy học tiếng dân tộc thiểu số và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… tiếp tục đạt kết quả tích cực. 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Ở những vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, với phương châm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người học và đảm bảo duy trì, củng cố kết quả công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, các nhà trường căn cứ số lượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất đã tổ chức dạy học lớp ghép với số lượng học sinh và trình độ đảm bảo đúng quy định.
Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục Tiểu học cũng tích cực đổi mới, đa dạng hoá hình thức dạy học như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình… nhằm khắc phục tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng. Để tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Qua đó, giúp việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bồi dưỡng giáo viên phục vụ dạy học trực tuyến ở các nhà trường được hiệu quả, chất lượng.
Được biết, năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng khi lần đầu tiên cả nước thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước. Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.
Nguồn: Báo lao động thủ đô