Hoạt động xây dựng gặp khó do dịch Covid-19

Dịch bệnh và giá vật liệu tăng làm chậm tiến độ dự án

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, nhiều công trình xây dựng đang được triển khai là công trình chuyển tiếp từ năm trước sang có tổng mức đầu tư lớn nên các đơn vị thực hiện có nguồn công việc ổn định. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng nhà xưởng chế biến chế tạo tại các khu công nghiệp có xu hướng tăng cùng với sự “ấm” lên của thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công trình.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 với biến thể mới bùng phát diễn biến nhanh và phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động xây dựng nói riêng. Nhiều địa phương tăng cường giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm hợp đồng xây dựng mới. Ngoài ra, giá một số loại vật liệu xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh làm chậm tiến độ các dự án đang và sắp khởi công.

Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình, dự án chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao; thiết kế chậm; việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, một số dự án đã được bố trí đủ vốn nhưng vẫn chậm triển khai; năng lực tài chính của một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng còn hạn chế; nhiều dự án bị bỏ dở hoặc thi công cầm chừng. Một số dự án bất động sản đã ký nhưng không được triển khai hoặc triển khai chậm, trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Tổng cục Thống kê đánh giá, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay làm cho các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, không có công trình mới hoặc có công trình nhưng không thể thi công được do yêu cầu về giãn cách xã hội của chính quyền địa phương, nếu công trình nằm trong danh mục được thi công thì phải đảm bảo yêu cầu “3 tại chỗ”: thi công tại chỗ, chống dịch tại chỗ và ăn ở tại chỗ hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi công trường xây dựng đến nơi ở của công nhân làm tăng chi phí… do đó nhiều công trình thi công chậm tiến độ.

Không những vậy, có nhiều nhà thầu xây dựng trong nước đã ký hợp đồng xây dựng với các doanh nghiệp nước ngoài nhưng bị trễ hợp đồng do không kịp tiến độ thi công nên phải đền bù hợp đồng với mức phí rất cao. Thêm vào đó, mặc dù doanh nghiệp xây dựng không hoạt động được nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm càng làm doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn về vốn.

Kiểm soát dịch bệnh, nới giãn cách xã hội

Thống kê cho thấy, tính chung 9 tháng năm 2021, có 11 tỉnh, thành phố có kết quả hoạt động xây dựng tăng khá, nổi bật nhất là tỉnh Quảng Ninh với sự kiểm soát dịch Covid-19 tốt nên các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo kịp thời gian hoàn thành vào cuối năm với một số dự án lớn được thực hiện như: Dự án Đường cao tốc Tiên Yên – Móng Cái; Dự án Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; Dự án Cầu Cửa Lục 1; Dự án nhà liền kề khu đô thị – du lịch, dịch vụ Bái Tử Long; Dự án Marina shophouse Tuần Châu…

Cùng với đó, một số tỉnh, thành phố tuy có thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng các công trình năng lượng tái tạo vẫn được triển khai nên kết quả hoạt động xây dựng tăng khá gồm: Quảng Trị, Đăk Nông, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Có 23 tỉnh, thành phố hoạt động xây dựng giảm do ảnh hưởng của Covid-19 lần thứ tư như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Với tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động bình thường.

Hỗ trợ doanh nghiệp ngành Xây dựng bằng các biện pháp thiết thực như: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận những dự án ngay tại địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động; Giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc cấp phép và thanh quyết toán công trình xây dựng; Hỗ trợ tốt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp; Tạo điều kiện trong việc nộp thuế cũng như hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; Bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép xây dựng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành Xây dựng cần đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19; tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích