Hoạt động tiêu chuẩn hóa gắn với kinh tế tuần hoàn trên thế giới
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu của các quốc gia hướng đến tăng trưởng bền vững trên thế giới. Theo Luật Bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tại nước ta, mặc dù kinh tế tuần hoàn đã được các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi nhưng vẫn chưa có khung tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. Trên thế giới, hoạt động tiêu chuẩn hóa gắn với kinh tế tuần hoàn đã được các quốc gia quan tâm từ lâu.
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Đoàn Thanh Vân – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc (UN Agenda 2030) đã xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó việc thành công của các mục tiêu này phụ thuộc vào các yếu tố sau: Thể chế tức là cấp độ hình thành các cam kết hoặc thực thi chính sách; Đồng thời tiêu chuẩn hóa cũng là một trong những ưu tiên để hỗ trợ thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu này.
Năm 2018, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO thành lập Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO TC 323, Circular Economy với thành viên của ban kỹ thuật đến từ 72 quốc gia từ Argentina đến Zimbabwe trong đó có Việt Nam và 11 thành viên quan sát.
Ủy ban Châu Âu cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu chuẩn hóa liên quan đến kinh tế tuần hoàn và tuyên bố: Thiết lập các tiêu chuẩn áp dụng cho các chuỗi giá trị toàn cầu; Tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn mới về tăng trưởng bền vững và sử dụng trọng lượng về kinh tế để định hình các tiêu chuẩn quốc tế nhằm phù hợp với các kỳ vọng của EU về môi trường và khí hậu; Các tiêu chuẩn thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường và hỗ trợ các thị trường toàn cầu, thị trường EU đối với các sản phẩm bền vững.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD cũng đang yêu cầu các tiêu chuẩn hỗ trợ cho sự chuyển dịch tích cực về phía nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm hài hòa các tiêu chuẩn chất lượng về vật liệu cho các sản phẩm có thể sửa chữa và sản xuất lại (đặc biệt khi xuất khẩu), và các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng thích hợp của các vật liệu thô đầu vào.
Ngày 7 – 9/9/2021, APEC SCSC tổ chức hội nghị trực tuyến diễn ra trong ba ngày với chủ đề Standardisation in Circular Economy for a more sustainable Trade, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia từ các nước thành viên, các tổ chức tiêu chuẩn hóa, với bốn chủ đề chính: Sáng kiến kinh tế tuần hoàn từ các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn; Các tiếp cận hoạch định chính sách về kinh tế tuần hoàn của các nền kinh tế thành viên APEC; Tiêu chuẩn và sự phù hợp hỗ trợ thương mại quốc tế, tính bền vững và kinh tế tuần hoàn; Các thông lệ thực hành tốt sử dụng tiêu chuẩn và sự phù hợp trong ngành công nghiệp để hỗ trợ kinh tế tuần hoàn.
Tại cuộc họp Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 20 tại Indonesia ngày 18/10/2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã thông qua Khung Kinh tế Tuần hoàn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (Framework for Circular Economy for the ASEAN Economic Community) mà “hài hòa tiêu chuẩn và thừa nhận lẫn nhau đối với các sản phẩm và dịch vụ tuần hoàn” là một trong năm ưu tiên chiến lược.
Từ đó cho thấy, để hỗ trợ sự chuyển đổi hiệu quả từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn thì việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn một cách đầy đủ và đồng bộ là nhiệm vụ tiên quyết. Trong đó, các nghiên cứu cần được thực hiện trên phạm vi từ nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động tiêu chuẩn hóa trong nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu các yêu cầu về hoạt động tiêu chuẩn hóa phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Thanh Tùng