Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Vượt qua đại dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ KH&CN, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. 

Về phía Tổng cục có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, năm 2021 dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục đã triển khai công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Trong năm 2021, Tổng cục và các đơn vị thuộc Tổng cục cũng như các cơ quan, tổ chức trong hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch công tác theo phân công, thực hiện các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua khó khăn và phát triển trong đại dịch Covid-19.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường mạnh mẽ với hệ thống các VBQPPL sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình mới, cùng với đó là sự hỗ trợ đắc lực các chương trình nâng cao năng suất chất lượng… đưa công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng triển khai mạnh mẽ và rộng khắp từ trung ương đến địa phương với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại Hội nghị.

“Với sự nỗ lực của hơn 1.800 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tổng cục và toàn hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hạ tầng chất lượng quốc gia được hình thành, phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế”, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách nhấn mạnh.

Những “bứt phá” trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Trong năm 2021, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các Bộ, ngành, trong đó phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thẩm định, trình Bộ KH&CN công bố 61 TCVN về trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều TCVN quan trọng về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế… phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục triển khai hiệu quả, báo cáo kịp thời liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh, phát triển công nghiệp vật liệu. Để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, làm căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Tổng cục đang xây dựng thuyết minh nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Công tác quản lý về đo lường, đặc biệt xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác QLNN thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tổng cục đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho các Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và các tổ chức doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng VBQPPL về đo lường.

Cụ thể, Tổng cục thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 159 lượt đơn vị (giảm 10% so với năm 2020); chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 128 lượt đơn vị (giảm 2% so với năm 2020);

Chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 158 lượt đơn vị (giảm 5% so với năm 2020); chứng nhận, cấp 1224 thẻ kiểm định viên đo lường (giảm 9% so với năm 2020); phê duyệt 4.094 mẫu phư­ơng tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (tăng 19% so với năm 2020); hướng dẫn hơn 460 tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo, cách ghi định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…

Trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, Chi cục TCĐLCL, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các VBQPPL dưới luật, giải quyết kịp thời vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng liên quan đến hoạt động ĐGSPH và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH), đặc biệt là SPHH nhóm 2 của Bộ KH&CN quản lý.

Ngoài ra, để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, Tổng cục đã xây dựng thuyết minh nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa làm căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hiện nay, Tổng cục đang thực hiện tổng hợp báo cáo đánh giá thực trạng triển khai Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Bộ, ngành, địa phương.

Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương về triển khai HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước;…

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bên cạnh việc tiến hành kiểm tra trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo kế hoạch đã giao, Tổng cục đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt thực hiện khảo sát trực tuyến qua các website và trang mạng xã hội.

Cụ thể, Tổng cục tiến hành kiểm tra, khảo sát 361 cơ sở (kiểm tra tại 144 cơ sở, khảo sát 217 cơ sở; số kiểm tra tại cơ sở giảm 22% so với năm 2020) kinh doanh vàng trang sức; thực phẩm; xăng dầu…, kết quả khảo sát online là căn cứ để kiểm tra trên thị trường. Tổng số mẫu khảo sát, kiểm tra: 2.165 mẫu, kết quả: 1.180/2.165 mẫu không đủ thông tin ghi nhãn hàng hóa, dấu CR; Tổng số mẫu thử nghiệm: 192 mẫu; kết quả: 41/142 mẫu không đạt.

Thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 3.463 hồ sơ (tương đương 5.741 lô) xăng, dầu DO, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong, với tổng khối lượng hơn 7,3 triệu tấn (xăng, dầu, LPG) và 45,2 triệu lít dầu nhờn động cơ đốt trong. Việc thực hiện tiếp nhận đăng ký và ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng, dầu, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu được thực hiện gần 100% trên Hệ thống Một cửa Quốc gia và chỉ một vài trường hợp nhận hồ sơ giấy do Hệ thống gặp sự cố.

Thực hiện xử lý theo thẩm quyền, tạm dừng lưu thông hàng hóa không đạt về chất lượng đối với 4700 mét dây điện, hơn 17 nghìn lít dầu nhờn động cơ, hơn 13 nghìn lít xăng E5 RON92 với tổng số tiền phát nộp ngân sách nhà nước là gần 150 triệu đồng.

Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp và Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh điều hành Hội nghị.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng cục tiếp tục thực hiện tốt vai trò là đại diện của Việt Nam tham gia 14 tổ chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, năng suất, mã số mã vạch như APEC/SCSC, ASEAN/ACCSQ, APO, ISO, IEC, CGPM, APMP, EGM, GS1…

Năm 2021, Tổng cục tiếp tục hoàn thành xuất sắc vai trò trung tâm, điều hành các chương trình nghị sự của ASEAN, APO như Chủ tịch luân phiên Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ), Ủy ban hỗn hợp điện – điện tử ASEAN (JSC/EEE), Nhóm công tác về Tiêu chuẩn (ACCSQ/WG1), Nhóm công tác về Đánh giá sự phù hợp (ACCSQ/WG2); Phó chủ tịch Nhóm công tác cao su ASEAN (ACCSQ/RBPWG).

Bên cạnh đó, tích cực, chủ động tham gia sâu các hoạt động hợp tác quốc tế của tổ chức và khu vực; tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thoả thuận hợp tác đã ký kết và trao đổi với đối tác để thống nhất nội dung, lấy ý kiến các đơn vị liên quan về dự thảo thoả thuận hợp tác mới.

Trong hoạt động năng suất chất lượng, Tổng cục đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch để triển khai Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu trình Bộ KH&CN ban hành Công văn số 334/BKHCN-TĐC ngày 23/02/2021 hướng dẫn Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để triển khai chương trình tại Bộ, địa phương; xây dựng, trình Bộ KH&CN trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình (Thông tư số 35/2021/TT-BTC ngày 19/5/2021).

Triển khai Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng, trình Bộ KH&CN ban hành: Công văn số 332/BKHCN-TĐC gửi UBND các tỉnh/thành phố, Công văn số 333/BKHCN-TĐC ngày 23/02/2021 gửi các Tập đoàn, Tổng công ty về triển khai Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Quyết định số 1851/QĐ-BKHCN ngày 12/7/2021 ban hành kế hoạch của Bộ KH&CN triển khai thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TTg.

10 nhiệm vụ trọng tâm định hướng năm 2022

Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh đã báo cáo phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Theo đó, tập thể Lãnh đạo Tổng cục, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, góp phần đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ, cũng như kinh tế – xã hội đất nước trong năm 2022 với 10 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các Chương trình hành động và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.

 Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Thứ hai, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Bộ pháp điển TCĐLCL.

Thứ ba, tập trung triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 – 2025 của Tổng cục, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL.

Cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong tình hình mới, tạo môi trường thông thoáng cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế –  xã hội;

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030; thúc đẩy hoạt động đo lường quốc gia; tạo dựng khung pháp lý quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và kiểm tra nhà nước về TCĐLCL với các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động về lĩnh vực TCĐLCL;

Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa nhóm 2; Tiếp tục đẩy mạnh việc gắn kết các hoạt động sự nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL.

Thứ tư, tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, chính phủ điện tử, tăng cường giải quyết công việc trên môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, nhất là triển khai qua cơ chế một cửa và cổng dịch vụ công các cấp. 

 
Theo ông Nguyễn Mai Dương – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, trong bối cảnh đại dịch Covid-10 diễn biến phức tạp, với sự đồng lòng của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Tổng cục TCĐLCL đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
 
Trong đó, điểm nhấn của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong năm 2021 đã xác định được 10 nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ trọng tâm đó đã thể hiện được đường nét hết sức cụ thể đối với chức năng của Tổng cục TCĐLCL. Tuy phải xử lý một khối lượng công việc khá lớn và gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tổng cục đã rất nỗ lực, cùng với đó là sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị của Tổng cục với các đơn vị của Bộ KH&CN.
Trong thời gian tới, rất mong Tổng cục sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và phát huy thế mạnh đóng góp to lớn vào xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội đất nước; hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ KH&CN giao phó.
 

Thứ sáu, triển khai thực hiện kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ…

Thứ bảy, tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời tăng cường kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực phục vụ hội nhập quốc tế về KH&CN và TCĐLCL, hướng đến các hoạt động hỗ trợ, ứng phó với đại dịch COVID-19.

Thứ tám, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

Thứ chín, tăng cường hoạt động tuyên truyền về TCĐLCL, năng suất chất lượng, cảnh báo chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động TCĐLCL phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ mười, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực TCĐLCL theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 100, Đề án 996, Chương trình 1322, Quyết định số 36/QĐ-TT).

Sau khi nghe báo cáo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh trình bày, Hội nghị đã nghe những tham luận của Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy; Vụ Đo lường, Văn phòng Tổng cục; Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cũng tại hội nghị, ông Trương Hồng Dương – Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ KH&CN cho hay, Tổng cục TCLĐLCL được xem là đơn vị tiêu biểu và xứng đáng là đơn vị đứng đầu trong các đơn vị của Bộ KH&CN. Thời gian qua, Tổng cục đã đạt được kết quả đáng hoan nghênh, đạt hiệu quả gấp 4 lần so với nhiệm vụ được giao. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá hệ thống pháp luật về TCĐLCL ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như định hướng phát triển của xã hội. Hạ tầng Chất lượng quốc gia của Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh trong thời gian qua.

Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam đã lên đến hơn 13.000 TCVN và hơn 800 QCVN, với hơn 60% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Vai trò của các QCVN ngày càng trở nên quan trọng trong thực tiễn. Đây chính là công cụ quản lý nhà nước nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân.

Cùng với đó, hoạt động đánh giá sự phù hợp ngày càng phát triển, được nội địa hóa và thừa nhận quốc tế. Đây là yêu cầu cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam chủ động nắm bắt yêu cầu, chuẩn mực chất lượng của thị trường để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đáp ứng nhu cầu khách hàng, dễ dàng vượt qua các rào cản kỹ thuật TBT và sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động đo lường chính xác và thống nhất là công cụ đắc lực góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như đảm bảo sự công bằng trong buôn bán, giao dịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường đồng thời là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đồng thời là căn cứ pháp lý kỹ thuật xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân vào hiệu lực quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Hoạt động năng suất, chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường quản lý trong bối cảnh mở cửa thị trường, ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại để phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư nhưng tăng cường kiểm soát hàng hóa và các bên liên quan trong toàn chuỗi cung ứng cũng như xác định, truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, ngăn chặn hàng giả hàng nhái… Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, mã số mã vạch đang được ứng dụng mở rộng tới các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế như dịch vụ, y tế, hải quan, logistic, trao đổi dữ liệu điện tử…

Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Tổng cục đã hoàn thành tốt vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng như: Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế – ISO; Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế – IEC; Tổ chức Năng suất Châu Á – APO; Tổ chức Đo lường Hợp pháp quốc tế – OIML; Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình dương – APQO; Tổ chức mã số mã vạch quốc tế – GS1;…

Đặc biệt, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) và Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ).

“Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi sự nỗ lực, thích ứng linh hoạt của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Tổng cục đã vượt qua mọi khó khăn, nhất là trong năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nước ta mà Tổng cục đã hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ được giao và đạt kết quả như ngày hôm nay. 

Tôi tin tưởng rằng, với định hướng phát triển đúng đắn và quyết tâm cao, hoạt động TCĐLCL sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới nhằm đưa đất nước Việt Nam vươn lên vị thế xứng đáng trên trường quốc tế“, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 Toàn cảnh hội nghị.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, để lĩnh vực TCĐLCL ngày càng đóng góp to lớn hơn vào sự phát triển của KH&CN nói riêng, sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị Tổng cục TCĐLCL tập trung chính vào 06 định hướng lớn.

Theo đó, một là đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan phù hợp các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo…) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đảm bảo phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là tập trung xây dựng đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Ba là, xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động TCĐLCL theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư.

Bốn là, tập trung, ưu tiên nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Đặc biệt cần chú trọng tổ chức xây dựng hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ năng lực phục vụ nhu cầu phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy việc thừa nhận lẫn nhau và đảm bảo đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế về TCĐLCL để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế thông qua sự tham gia, hợp tác với các tổ chức TCĐLCL quốc tế, khu vực và nước ngoài.

Năm là, tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án quốc gia (Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng; Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc; Đề án 996 về đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo).

Tất cả các Chương trình, Đề án đều phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đảm bảo có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sáu là, Tổng cục TCĐLCL cần tăng cường kỷ cương và minh bạch trong các nhiệm vụ chính trị được giao. Các tổ chức Đảng, cơ quan cần lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ đó có tham mưu, điều chỉnh trong quản lý và xây dựng chính sách.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích