Hoạt động sản xuất tháng 1 giảm mạnh
Do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Cùng với đó là triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới.
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/1, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong tháng trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, số lượng và quy mô đơn đặt hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng thấp và có thể suy thoái.
Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 1 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,9%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm cấp II giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất phương tiện vận tải khác (môtô, xe máy) giảm 27,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 23,9%; sản xuất trang phục giảm 21%; sản xuất thiết bị điện giảm 19,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 17,4%.
Tương tự, sản xuất kim loại, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cùng giảm 14,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 12,1%; dệt giảm 11,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng giảm mạnh như khí hóa lỏng giảm 33,3%; xe máy giảm 32,1%; ôtô giảm 31,7%; thép thanh, thép góc giảm 26,2%; đường kính giảm 25,7%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm bia tăng 15,5%; sữa bột tăng 10,8%; nước máy thương phẩm tăng 5,9%; sắt, thép thô tăng 4,3%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 3,7%; xăng dầu tăng 3,1%.
Theo báo cáo, trong tháng 1, cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,7% so với tháng trước và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước; có 15.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 146,8% và giảm 21,2%.
Cũng trong tháng 1, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19.
Ở lĩnh vực du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 đạt 871.200 lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tuy nhiên, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 năm nay vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93%.
Việt Nam ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD trong tháng 1, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu năm ước đạt 42.700 tỷ đồng, bằng 2,6% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 56.700 tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán năm.
Nguồn: Báo xây dựng