Hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững
Đổi mới sáng tạo là ưu tiên quốc gia
Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp phát triển lâu đời đều sở hữu nguồn nhân sự có tính đổi mới sáng tạo rất cao như Microsoft, Apple, Intel… Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại cũng đã bắt nhịp với đà tăng về chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới. Trong bảng xếp hạng GII 2022, Việt Nam xếp thứ 48 trên 132 quốc gia/nền kinh tế và coi đổi mới sáng tạo là ưu tiên quốc gia.
Theo đó, năng lực đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp trước hết là khả năng hiểu và đáp ứng với các điều kiện thay đổi bối cảnh, theo đuổi các cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp, đồng thời phối hợp tốt với các bên liên quan và đối tác bên ngoài.
Quản lý đổi mới sáng tạo đúng phương hướng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Ảnh minh họa.
Đặc điểm của quá trình đổi mới sáng tạo là sự chấp nhận rủi ro. Không phải tất cả ý tưởng, khái niệm hoặc giải pháp đều dẫn đến đổi mới sáng tạo. Sự gián đoạn hoặc thất bại trong đổi mới sáng tạo là đặc điểm không thể thiếu của quá trình đổi mới sáng tạo. Qua đó, doanh nghiệp tiếp tục học hỏi trong việc thực hiện các quá trình đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Theo hướng tiếp cận về tính đổi mới sáng tạo sẽ phân loại theo đổi mới gia tăng hoặc đổi mới đột phá. Trong đó, đổi mới gia tăng là đổi mới liên quan đến việc thực hiện các cải tiến nhất quán đối với sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có theo thời gian như giảm chi phí, bổ sung các tính năng mới, triển khai các cách để làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ dễ tiếp cận hơn với khách hàng. Sự đổi mới gia tăng có thể dễ dàng nhận thấy nhất trong các bản cập nhật phần mềm, trong đó các phiên bản mới cung cấp tính năng được xây dựng dựa trên bản cũ do nhu cầu của người tiêu dùng.
Đổi mới đột phá là những đổi mới đề cập đến một công nghệ có ứng dụng ảnh hưởng đáng kể đến cách thức hoạt động của thị trường hoặc ngành kinh doanh. Đổi mới đột phá liên quan đến việc thực hiện những thay đổi táo bạo mang nhiều rủi ro hơn nhưng cũng có khả năng thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Quản lý đổi mới sáng tạo đúng phương hướng thúc đẩy tăng trưởng
Nhìn chung, không phải tất cả quá trình đổi mới sáng tạo đều yêu cầu được quản lý. Nhưng doanh nghiệp chủ động quản lý các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ nắm bắt cơ hội nhanh hơn, phản ứng kịp thời với các thách thức và rủi ro có liên quan, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Mặt khác, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được quản lý đúng phương hướng có thể tạo ra một nền văn hóa sáng tạo, không bỏ lỡ các cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Quản lý các hoạt động, quá trình đổi mới sáng tạo là rất cần thiết để đảm bảo sự liên kết của các hoạt động đổi mới sáng tạo với định hướng chiến lược của doanh nghiệp (bao gồm phân bổ nguồn lực, các chỉ số và theo dõi); Đảm bảo sự linh hoạt và thích ứng của chiến lược và mục tiêu đổi mới sáng tạo gắn với các cơ hội và triển vọng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Cân bằng, tối ưu hóa hiệu suất các quá trình hiện có, đồng thời “thăm dò” các cơ hội thực hiện đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp;
Thúc đẩy văn hóa hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo ra các điều kiện thích hợp để doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả; Xóa bỏ các rào cản, tư tưởng “kìm hãm” đối với các sáng kiến và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Đảm bảo các hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên nhu cầu và mong muốn của xã hội, thị trường, khách hàng và người tiêu dùng.
Có thể nói, quản lý đổi mới sáng tạo là nền tảng thiết lập các chính sách, mục tiêu, chiến lược, quá trình… nhằm hỗ trợ để đạt được các mục tiêu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua các hoạt động như lập kế hoạch, vận hành, đánh giá hiệu suất… Quản lý đổi mới sáng tạo được coi là một phần quan trọng, được tích hợp trong hoạt động quản lý chung của doanh nghiệp. Các chính sách, mục tiêu và chiến lược đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố thúc đẩy định hướng chiến lược chung của doanh nghiệp.
Thanh Tùng