Hoạt động đo lường đảm bảo công bằng trong thương mại
Trải qua các giai đoạn khác nhau, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cho đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra cho thấy, lĩnh vực đo lường ngày càng khẳng định tầm quan trọng của mình trong tiến trình phát triển xã hội. Cụ thể, từ trình độ sản xuất thủ công đã chuyển dần lên trình độ cơ khí hoá, tự động hoá với sự áp dụng rộng rãi kỹ thuật điện tử, tin học.
Trong đó, đo lường gần như tham dự vào toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến việc kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất, điều khiển, điều chỉnh quá trình công nghệ và giai đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng, cho đến khâu lắp đặt đưa sản phẩm vào sử dụng và bảo hành sản phẩm.
Hoạt động đo lường có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh minh họa)
Nhiệm vụ hàng đầu của đo lường trong sản xuất là cung cấp những thông tin sơ cấp dùng trong kỹ thuật xử lý số liệu bằng điện tử và tin học để tối ưu hoá quá trình công nghệ, tối ưu hoá việc sử dụng vật liệu và năng lượng. Đo lường chính là cơ sở, là trung tâm của hệ thống điều chỉnh, điều khiển trong quá trình sản xuất. Bởi vậy, nhiều chuyên gia nhận xét, 3 bộ phận hợp thành của một nền sản xuất hiện đại chính là năng lượng, nguyên vật liệu và đo lường.
TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hoạt động đo lường đã từng bước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng trong thương mại, bảo vệ môi trường và sức khoẻ nhân dân. Đồng thời là công cụ quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội.
Liên quan đến hoạt động đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 về việc phê duyệt Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Bộ yêu cầu tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực bảo đảm đạt ít nhất một trong các mục tiêu: Tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Kiểm soát phát thải ra môi trường…
Việc ban hành Danh mục được xem là bước khởi đầu quan trọng để triển khai đưa chính sách vào thực tế sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hy vọng thời gian tới hoạt động đo lường sẽ hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Thanh Tùng