Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
(Xây dựng) – Đây là chủ đề của Hội thảo chuyên đề 3 nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, do Bộ Xây dựng và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức sáng 17/6 tại Hà Nội.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu chính cùng hơn 350 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trên thế giới, xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây, thể chế, chính sách về phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện hơn. Nhiều luật về quản lý và phát triển đô thị cùng với hệ thống các văn bản dưới luật đã được ban hành; thể chế hóa cơ bản đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị; tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và nhiều lĩnh vực khác có liên quan. Cùng với quá trình đô thị hóa, công tác quản lý Nhà nước tại các đô thị ngày càng được hoàn thiện. Mô hình, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền đô thị từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, mô hình chính quyền đô thị đặc thù tại một số đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang được triển khai thí điểm.
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, đất đai, tài chính đô thị, mô hình chính quyền đô thị. Pháp luật về phát triển đô thị và các cơ chế, chính sách liên quan mặc dù đã có nhiều cải thiện tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chồng chéo; chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn…
Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới. Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới; những nhiệm vụ cụ thể của quản lý đô thị, theo quy định của pháp luật hiện hành đang còn khá mờ nhạt, chưa đủ cụ thể… Những tồn tại, hạn chế nêu trên đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục chung tay, tập trung giải quyết, tháo gỡ, nhất là những nút thắt trong thể chế, cơ chế, chính sách về đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội thảo. |
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Nghị quyết số 06-NQ/TW “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có 06 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác quản lý, quy hoạch, nâng cấp đô thị…
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chúng ta đã có QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, QCVN 07:2016/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật và nhiều quy chuẩn khác. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vướng mắc, do đó cần phải hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, chỉ ra những vấn đề bất cập, đang là rào cản, vướng mắc về quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị.
Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra các chỉ tiêu rất cụ thể về tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị, về quy hoạch đô thị, chương trình cải tạo chỉnh trang, các chỉ tiêu về hạ tầng đô thị ở các giai đoạn 2025 và 2030 với một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thể chế, chính sách; chất lượng quy hoạch đô thị; phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng, quản lý hạ tầng trong các khu đô thị mới; hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị…
Cùng với đó là yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị tại các đô thị hiện hữu, với rất nhiều các bất cập về hạ tầng như giao thông, cây xanh, môi trường; nguồn lực chỉnh trang xây dựng, tái thiết, phát triển rất lớn đô thị rất lớn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; xem xét về chỉ tiêu đất xây dựng, đất giao thông; quy hoạch, khai thác không gian ngầm; quản lý vận hành đô thị, đặc biệt là quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; vấn đề xử lý rác, thoát nước, xử lý nước thải…
Yêu cầu mới đặt ra cho các đô thị của Việt Nam đó là cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về ý kiến hoàn thiện thể chế thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững; yêu cầu đặt ra về hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; định hướng hoàn thiện các quy định về phân loại đô thị phù hợp với tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị; quyết định chiến lược về việc mở rộng hay tái phát triển đô thị hướng tới sự bền vững của các thành phố Việt Nam; kinh nghiệm thực tế và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ; nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị.
Quang cảnh Hội thảo. |
Tại phần tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề điển hình được Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ đạo và đưa ra định hướng về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các luật đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở… Sớm xây dựng và ban hành luật về quản lý và phát triển đô thị bền vững…
Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị phù hợp với đặc điểm vùng miền, các đô thị có tính đặc thù. Sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị bảo đảm tính tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị… Hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các địa phương trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng…
Bên cạnh đó, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở; rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội; tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích hình thành và phát triển các quỹ cho phát triển nhà ở và bất động sản; có chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp…
Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, ban hành cơ chế, chính sách đột phá và phân cấp triệt để cho các địa phương để đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng, nhà ở ven kênh rạch, các khu dân cư nghèo trong đô thị.
Nguồn: Báo xây dựng