Hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

MTĐT –  Thứ năm, 04/11/2021 10:17 (GMT+7)

Ngày 3-11 Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL vừa tiến hành hội nghị để hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 – đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.

Dự họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo một số bộ, cơ quan và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Tư duy quy hoạch tích hợp không gian vùng, tiểu vùng và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh liên kết vùng. Việc mạnh ai nấy làm như mọi khi, địa phương nào biết địa phương đó, ngành nào biết ngành đó không còn phù hợp. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội thời gian qua là quyết sách sống còn cho vùng này.

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng ĐBSCL đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng… Ba trụ cột phát triển vùng bền vững về kinh tế – xã hội và môi trường dựa trên nền tảng xem tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và lấy con người làm trung tâm, tận dụng những điều kiện tự nhiên phong phú để phát triển đa dạng nhưng hạn chế can thiệp thô bạo vào hệ thống tự nhiên.

Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị lại vùng này, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển. Phát triển kết cấu hạ tầng cần được xem là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng để hướng tới những mục tiêu phát triển nói trên. Nhìn tổng thể hạ tầng giao thông ĐBSCL và những cơ sở hạ tầng quan trọng khác vẫn đang vướng các điểm nghẽn. Các nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối. Mạch máu giao thông vận tải, logistics của vùng vẫn chưa thông suốt. Tình trạng đường chờ cầu nâng tải trọng, cảng chờ luồng thôi ách tắc, đường thủy vướng tĩnh không cầu, quá tải giao thông vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi…

tm-img-alt
Các điểm cầu dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Internet

Trên cơ sở quy hoạch và thực thi quy hoạch, rất cần các nguồn lực tăng thêm cho vùng ĐBSCL. Khoản đầu tư dự kiến bố trí 2 tỉ USD để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa cao để thực hiện được quy hoạch vùng ĐBSCL đã đề ra nhưng so với nhu cầu phát triển vùng vẫn đang là khoảng thiếu hụt lớn. Rất cần có thêm các nguồn đầu tư khác cho giao thông, hạ tầng nông nghiệp, nâng cấp hệ thống logistics của vùng đang rất yếu kém và chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế được xem là các điểm nghẽn phát triển vùng.

Trong khi nguồn lực đầu tư công hạn chế, căng kéo trong việc bố trí ngân sách, rất cần các cơ chế huy động nguồn lực đầu tư, cơ chế tài chính sáng tạo mới. Một số vấn đề mới, quan trọng, mang tính đột phá nêu trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ như đề xuất hình thành quỹ phát triển bền vững vùng, thành lập trung tâm thông tin tích hợp dữ liệu vùng là rất quan trọng, làm còn chậm.

Quyết định 593/QĐ-TTg ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL xác lập “cơ chế tài chính sáng tạo đầu tư vùng”, cho phép bố trí “mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng”.

Một bản quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL đang rất được mong đợi với chất lượng đáp ứng yêu cầu tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển, tạo thế và lực mới cho vùng trên cơ sở việc tăng cường phối hợp liên tỉnh, liên vùng để thực thi hiệu quả nhất. 

Dương Diễm (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích