Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin không gian địa lý

(TN&MT) – Thông tin dữ liệu địa lý là động lực cho quá trình phát triển. Việc xác định và thúc đẩy công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại của các bộ, ngành, lĩnh vực, các tổ chức, cá nhân trong thu nhận, xử lý và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là điều kiện cần thiết và tiên quyết cho sự thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Sáng 23/11, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phối hợp với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học và công nghệ toàn quốc “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia: Vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại”.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cùng nhiều lãnh đạo và đại biểu đến từ Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam…

Hạ tầng kỹ thuật quan trọng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, ngày nay, trong quá trình phát triển của đất nước, công tác đo đạc bản đồ có vai trò quan trọng, phục vụ cho các ngành, các cấp trong phát triển kinh tế – xã hội, quản lý lãnh thổ, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội ngày càng ứng dụng nhiều hơn các sản phẩm của đo đạc và bản đồ, điều đó đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước cũng như công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Với tầm quan trọng của thông tin dữ liệu đo đạc bản đồ, “hạ tầng không gian địa lý quốc gia” được coi là một trong các “hạ tầng kỹ thuật” quan trọng của một quốc gia.

Quang cảnh Hội thảo

Đo đạc và bản đồ là một ngành kỹ thuật, sự phát triển không ngừng trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ. Với mục tiêu cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ và hiệu quả hơn các sản phẩm của đo đạc bản đồ và thông tin địa lý, phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực trong ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và các bộ ngành/địa phương và xã hội nói chung. Đặc biệt các sản phẩm và công nghệ của đo đạc bản đồ đã và đang bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử.

Với vai trò nêu trên, việc đầu tư các nguồn lực (nhân lực, vật lực) cho ngành Đo đạc và Bản đồ là rất cần thiết, đặc biệt đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đảm bảo nâng cấp hệ thống công trình hạ tầng đo đạc bản đồ cơ bản, các mạng lưới đo đạc quốc gia, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia thống nhất trong cả nước và đảm bảo hội nhập quốc tế. Phát triển các ứng dụng phục vụ xã hội và ứng dụng dân sinh như việc sử dụng dữ liệu nền địa lý cho công tác quy hoạch, xây dựng đô thị thông minh, quản lý và phòng chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh…

Cũng tại Hội thảo, PGS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, ở tất cả các nước phát triển trên thế giới, đến nay người ta luôn coi việc hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin không gian địa lý như một nhiệm vụ trọng yếu, phải đi trước một bước trong phát triển công nghiệp 4.0. Trong giai đoạn 3.0, đo đạc và bản đồ Việt Nam đã thực hiện tốt việc chuyển đổi sang công nghệ số. Tuy nhiên, hiện nay của đo đạc và bản đồ, Việt Nam đang chậm hơn các nước. Điều này có tác động tiêu cực tới sự phát triển của Việt Nam trong phát triển của thời kỳ 4 nền văn minh thông tin. Chính vì vậy, bước vào giai đoạn 4.0, yêu cầu của đo đạc và bản đồ là thực hiện kết nối dữ liệu theo thời gian thực dựa trên các giải pháp đo đạc lập bản đồ rất nhanh để cập nhật một hệ thống dữ liệu địa lý theo thời gian thực chính xác và đầy đủ.

Phát triển công nghệ thông tin địa lý

Công nghệ thông tin địa lý (GIT) đang được nhắc đến như một công nghệ lớn của thế kỷ 21, bao trùm toàn bộ dữ liệu, công nghệ của đo đạc bản đồ, công nghệ thông tin và truyền thông. GIT được coi như một nền tảng cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và xã hội thông minh.

Quang cảnh Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, mặt bằng công nghệ chung của đo đạc bản đồ nước ta đang ở mức khá so với các nước trong khu vực. Các kết quả ứng dụng công nghệ đo vẽ ảnh số, công nghệ LiDAR trong thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, mô hình số độ cao; ứng dụng công nghệ đo sâu chùm tia trong đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển; nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; xây dựng và phát triển mạng lưới trạm định vị vệ tinh thường trực quốc gia (VNGEONET); phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia… đã tạo ra nhiều bộ bản đồ địa hình, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phủ trùm lãnh thổ.

Để đáp ứng được các xu hướng của GIT trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Việt Nam cần thay đổi và có những đột phá trong công nghệ ICT. Trong đó, đòi hỏi những người làm công tác đo đạc và bản đồ phải xác định được vai trò của bản đồ, dữ liệu địa lý, của số liệu tọa độ, độ cao, trọng lực…

Bên cạnh các dòng sản phẩm truyền thống của đo đạc bản đồ hiện nay như bản đồ địa hình quốc gia, CSDL nền địa lý quốc gia, dữ liệu định vị tọa độ, độ cao; bản đồ chuyên đề, chuyên ngành… lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ cần phải tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng, phạm vi ứng dụng và hiệu quả khai thác đối với công nghệ thông tin địa lý để xứng tầm là một dạng hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đó là phát triển các dạng sản phẩm mới phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và quản lý xã hội như: Phát triển bản đồ Web tương tác; các ứng dụng GIS thời gian thực; sản phẩm bản đồ động; dịch vụ bản đồ thuê bao; ứng dụng từ thông tin địa lý tình nguyện; các ứng dụng của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia…

“GIT là một phần của cuộc sống, sự song hành của đo đạc bản đồ và ICT đang tạo ra những cơ hội mới cho một ngành kỹ thuật đã hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành. Cơ hội mới cũng đặt ra nhiều thử thách và đòi hỏi lớn lao đối với đội ngũ các nhà làm đo đạc bản đồ nước ta. Tương lai đang rộng mở và điều đó phục thuộc vào hành động, tư duy và sự quyết tâm của các nhà đo đạc bản đồ nói chung”, TS. Nguyễn Phi Sơn nhấn mạnh.

Bạn cũng có thể thích