Hoàn thiện mô hình Đơn vị ở – một nội dung quan trọng trong đổi mới phương pháp lập quy hoạch

Hoàn thiện mô hình Đơn vị ở – một nội dung quan trọng trong đổi mới phương pháp lập quy hoạch

Sau gần 40 năm, mô hình Đơn vị ở được hình thành và củng cố, bổ sung và cập nhật liên tục theo bối cảnh trong và ngoài nước, tạo nên một cơ sở pháp lý quan trọng.

Tuy nhiên, đến nay hình dung về đơn vị ở chưa rõ ràng và cách hiểu, cách vận dụng khái niệm đơn vị ở vào công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch chưa thật sự thống nhất, cần được xem xét, nghiên cứu hoàn thiện.

Đơn vị ở là một mô hình có lịch sử hình thành lâu dài, dựa trên nguyên tắc cân bằng mối liên hệ về quy mô khu vực cư trú và quy mô dân cư, tạo nên một cộng đồng xã hội có sự gắn kết và họat động hiệu quả. Tại Việt Nam, sau gần 40 năm, mô hình Đơn vị ở được hình thành, bổ sung và cập nhật, tạo nên một cơ sở pháp lý quan trọng.

Tuy nhiên, từ một mô hình Đơn vị ở – Tiểu khu nhà ở – đã được xây dựng thực tế và đã dừng triển khai, đến nay quy định về Đơn vị ở được áp dụng trên toàn đô thị nhưng hình dung về Đơn vị ở vẫn chưa rõ ràng; cách hiểu, cách vận dụng vào công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch chưa thật sự thống nhất. Thực tế này cần được xem xét, nghiên cứu, đưa ra giải pháp hoàn thiện hơn nữa mô hình Đơn vị ở, góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp lập quy hoạch.

1. Các mô hình quy hoạch đơn vị ở trên thế giới

a) Đơn vị ở láng giềng của Ebenezer Howard

Năm 1898, E. Howard kiến trúc sư người Anh lần đầu tiên đề xuất mô hình Thành phố vườn (Garden city) với mục tiêu đưa con người sống trong đô thị về với thiên nhiên trong lành của nông thôn, phát triển theo mảng không gian thấp tầng.

Thành phố vườn được hình dung như những đô thị vệ tinh phát triển xung quanh một đô thị trung tâm hiện hữu. Các thành phố vườn có dạng hình tròn, hướng tâm. Mỗi thành phố có diện tích khoảng 400 ha cho khoảng 30.000 dân và vòng ngoài là đất sản xuất nông nghiệp quy mô khoảng 2.000 ha. Vùng nông nghiệp này chính là vành đai xanh để tách biệt với thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh với nhau.

Hoàn thiện mô hình Đơn vị ở - một nội dung quan trọng trong đổi mới phương pháp lập quy hoạch
Khu đô thị mới Linh Đàm, từ cuối những năm 1990, do chủ đầu tư là các công ty nhà nước.

Với mỗi 400 ha đất nội thị đó có một loạt các vòng tròn đồng tâm. Ở chính tâm là vườn hoa, các công trình công cộng lớn như toà thị chính, nhà hội họp, nhà hát, thư viện, bảo tàng, nhà triển lãm và bệnh viện, khu mua sắm… được đặt quanh vườn hoa này. Các địa điểm công nghiệp nhà máy, xí nghiệp phục vụ cho sự tự tồn tại của đô thị sẽ được đặt ở rìa đô thị để tránh khói ô nhiễm vào trung tâm đô thị. Một tuyến xe lửa sẽ được chạy vòng quanh phía ngoài để chở hàng đến các nhà máy, nối các thành phố vườn với nhau và nối với thành phố trung tâm.

b) Đơn vị ở láng giềng của Clarence Perry

Năm 1924 tại Hoa Kỳ, Clarence Perry đã đưa ra quan niệm về Đơn vị ở láng giềng (Neighbourhood Unit). Vào thời bấy giờ, những nỗ lực của xã hội nhằm cải thiện chất lượng sống trong các thành phố công nghiệp bao gồm việc xây dựng nhà ở cho người lao động nghèo và đưa các dịch vụ công cộng về phạm vi các khu dân cư. Clarence Perry nhận thấy tầm quan trọng của việc chữa trị căn bệnh lãnh cảm của cư dân các thành phố lớn khi mà cuộc sống đô thị làm mỗi cá nhân trở nên vô danh (anonymity) và quan hệ cộng đồng nhạt nhẽo.

Hơn nữa thực trạng tại nạn giao thông do phát triển ô tô cá nhân đã đến mức báo động. Ông đề xuất 6 nguyên lý thiết kế nhằm tạo ra những khu dân cư an toàn, có ranh giới và đặc trưng rõ rệt, khuyến khích sự giao tiếp giữa các cư dân và tương tác giữa cư dân và địa danh nơi họ sinh sống: (1) Quy mô dân số của một Đơn vị ở phải đảm bảo tối thiểu cho một trường tiểu học hoạt động; (2) Thương mại phát triển tại rìa của cộng đồng, nơi giáp ranh với các khu dân cư kế cận và đường giao thông đối ngoại; (3) Công viên và các không gian nghỉ dưỡng, thể dục thể thao ngoài trời cần được bố trí; (4) Ranh giới của cộng đồng được xác lập rõ ràng bằng đường giao thông đối ngoại bao bọc; (5) Công trình công cộng như trường học, nhà trẻ cần được tập trung xung quanh một khu vực trung tâm của cộng đồng; (6) Đường giao thông nội bộ được thiết kế tỉ lệ thuận với lưu lượng dự đoán và không có giao thông xuyên cắt từ bên ngoài.

Thời gian sau đó, các phiên bản của mô hình Đơn vị ở được áp dụng nhiều tại Bắc Mỹ và châu Âu. Ứng dụng mô hình này, Clarence Stein và Henry Wright đã thiết kế quần thể Sunnyside Gardens và quần thể Radburn nổi tiếng về sau. Tiếp theo đó, Frederic Gibberd kiến trúc sư Anh, đưa ra quan niệm Đơn vị ở (Residential Unit-Housing Unit) và thiết kế ở Harlow (một trong 14 thành phố vệ tinh bao quanh London) với cấu trúc quy hoạch dạng tầng bậc và liên quan chặt chẽ với hệ thống giao thông.

c) Đơn vị ở của Le Corbusier (Unité d’habitation)

Năm 1933, Le Corbusier đã đưa ra mô hình Đơn vị ở là một ngôi nhà lớn nhiều tầng, trong đó các căn hộ ở được xếp chồng lên nhau và có đầy đủ các dịch vụ để cho người ở không phải đi xa mà vẫn thoả mãn các nhu cầu thiết yếu.

Le Corbusier cho rằng hình mẫu đô thị truyền thống không còn phù hợp khi các thành phố ngày càng phình to và trở nên chật chội. Sự chật chội có thể giải quyết thông qua việc tăng hệ số sử dụng đất bằng việc tăng tầng cao xây dựng, đồng thời giảm mật độ xây dựng nhằm để lại một diện tích xanh đáng kể trên mặt đất.

Ông nhấn mạnh rằng với những công trình cao tầng, 95% diện tích đô thị sẽ là không gian mở (công viên, quảng trường và đường giao thông). Mục tiêu của Le Corbusier là đạt được mật độ cao, khoảng 2.500 người/ha đồng thời giành được một diện tích không gian xanh đáng kể. Với ý tưởng về những khu dân cư cao tầng và hệ thống đường sắt nội đô, ông đề xuất sự phân bố đều mật độ khắp thành phố thay vì chỉ tập trung vào trung tâm như trước kia.

d) Tiểu khu nhà ở của Liên Xô và các nước XHCN

Năm 1958 ở Moskva, tại đại hội của Hội Liên hiệp Kiến trúc sư quốc tế, Frederic Gibberd đã giới thiệu thành phố Harlow do ông thiết kế dựa trên cơ sở các Đơn vị ở. Quan niệm Tiểu khu nhà ở (microrayon) của Liên Xô được hình thành từ đó. Lý luận về Tiểu khu nhà ở được hưởng ứng nồng nhiệt và triển khai nghiên cứu, thiết kế quy hoạch rồi từ đó phổ cập nhanh chóng ra toàn Liên Xô và các nước XHCN thời ấy. Các nhà lý luận đô thị học Liên Xô đã nâng cao chủ thuyết về tiểu khu với những dữ kiện xã hội riêng, quy mô được xác định khác với quan niệm của Clarence Perry và Clarence Stein.

Tuy nhiên mô hình Tiểu khu nhà ở – Đơn vị ở vẫn bộc lộ nhiều hạn chế do quy mô các Đơn vị ở không đáp ứng đầy đủ được tất cả các nhu cầu của con người. Hệ cấu trúc quy hoạch tầng bậc được xây dựng theo quan điểm lấy tiểu khu làm đơn vị cơ sở đã độc lập hoá các đơn vị quy hoạch, làm rời rạc mối liên hệ giữa các đơn vị ấy với nhau. Jane Jacobs cũng đã phủ nhận công thức của Perry. Bà cho rằng thành phố với sự hoàn chỉnh của nó không thể bị chia nhỏ thành những đơn vị biệt lập.

2. Những tồn tại trong quá trình áp dụng mô hình Đơn vị ở tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mô hình đơn vị ở đã được áp dụng trong quy hoạch đô thị từ việc tiếp thu các đồ án quy hoạch đô thị do các nước trong khối XHCN hỗ trợ. Trong khoảng 3 thập kỷ, từ đầu những năm 1960 đến 1980, một số tiểu khu nhà ở lớn, mà sau này được gọi là các khu tập thể đã được xây dựng như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân ở Hà Nội, Quang Trung ở Vinh. Đồng thời, trong giai đoạn 1954 – 1975, các đô thị phía Nam, một mô hình cư trú khác được đề xuất dưới tên gọi Cư xá cũng hình thành, có tính chất tương tự như Tiểu khu ở phía Bắc khi gắn kết nhà ở vào các không gian công cộng, tạo nên những quần thể ở tương đối khép kín và độc lập trong đô thị.

Sau năm 1986, khi chế độ bao cấp về nhà ở chấm dứt cùng với sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc xây dựng các khu tập thể cũng chấm dứt. Từ cuối những năm 1990, một hình thức khác của phát triển các khu ở là các khu đô thị mới (KĐTM). Các khu đô thị mới thời kỳ đầu được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ hạ tầng như Linh Đàm, Định Công, Việt Hưng… do chủ đầu tư là các công ty nhà nước, về sau các KĐTM chủ yếu do các tập đoàn tư nhân đầu tư xây dựng như Ciputra, Time City, Vinhome Gardenia…

Hoàn thiện mô hình Đơn vị ở - một nội dung quan trọng trong đổi mới phương pháp lập quy hoạch
Khu đô thị mới Time City do tập đoàn tư nhân đầu tư xây dựng.

Kết quả phát triển các tiểu khu nhà ở và các KĐTM đã chứng minh cho những nét ưu việt của mô hình Đơn vị ở như tạo được quỹ nhà ở lớn, cung cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, bảo vệ môi trường, thuận tiện cho quản lý trật tự đô thị từ đó tạo nên cuộc sống tốt cho người dân cư trú, giúp xây dựng văn minh đô thị.

Quy định pháp luật về Đơn vị ở đã được xây dựng và biến chuyển theo quá trình phát triển của đô thị. Năm 1987, Việt Nam đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4449:1987 về Quy hoạch xây dựng đô thị – Tiêu chuẩn thiết kế, trong đó hướng dẫn một mô hình đơn vị tổ chức quy hoạch cơ bản trong khu dân dụng là tiểu khu.

Trong tiểu khu có nhà ở, công trình công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân trong tiểu khu đó, với quy mô dân số 4.000 – 16.000 người/tiểu khu phân bổ trên diện tích 16 – 25 ha. Năm 1996, Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam đã hướng dẫn giải pháp tổ chức không gian cho đơn vị cơ bản của khu ở là “đơn vị ở”, thay thế cho khái niệm “tiểu khu” trước đây. Các quy định về quy mô dân số và diện tích cho “đơn vị ở” không xuất hiện tại Quy chuẩn 1996, chỉ có yêu cầu về bán kính phục vụ các công trình công cộng cấp đơn vị ở.

Tiếp đến Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD được Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, “đơn vị ở” mới được khẳng định tại phần giải thích các thuật ngữ và có quy mô dân số từ 4.000 – 20.000 người. Từ QCXDVN 01:2008/BXD, “đơn vị ở” được xác định là khu chức năng đô thị và đất đai cho chức năng ở đô thị được gọi là “đất đơn vị ở”. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng được ban hành năm 2021 kế thừa Quy chuẩn 2008 các nội dung về đơn vị ở, chỉ thay đổi một vài chỉ tiêu về đất đai.

3. Đề xuất bổ sung và hoàn thiện mô hình Đơn vị ở phù hợp với các yêu cầu của quá trình đô thị hoá của Việt Nam

Sau gần 40 năm, mô hình Đơn vị ở được hình thành và củng cố, bổ sung và cập nhật liên tục theo bối cảnh trong và ngoài nước, tạo nên một cơ sở pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, đến nay hình dung về đơn vị ở chưa rõ ràng và cách hiểu, cách vận dụng khái niệm đơn vị ở vào công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch chưa thật sự thống nhất, cần được xem xét, nghiên cứu hoàn thiện.

Mô hình Đơn vị ở mới cần có những thay đổi như quy mô đơn vị ở lớn hơn, chức năng đa dạng hơn, hướng tới trở thành những thực thể có khả năng độc lập bao gồm cả hoạt động kinh tế để giảm tải cho khu vực trung tâm. Quy hoạch sử dụng đất đô thị nên theo xu hướng đa chức năng và linh hoạt chức năng sử dụng đất; áp dụng có chọn lọc các lý thuyết quy hoạch đô thị hiện đại về đô thị sinh thái, nén, thông minh, bền vững để giải quyết các vấn đề toàn cầu về ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên, biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống…

Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam tạo những cơ hội cho phát triển nhưng cũng xuất hiện nhiều vấn đề lớn mà đô thị phải giải quyết: Dân số đô thị gia tăng gây quá tải hạ tầng và mở rộng dàn trải tại vùng ngoại vi; mô hình kinh tế thị trường, theo đó công tác phát triển đô thị chuyển đổi theo phương thức đa thành phần bao gồm nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân…; cấu trúc đô thị ngày càng đa dạng phức tạp dẫn đến phương pháp lập và quản lý quy hoạch phải thay đổi theo xu hướng mở hơn, linh hoạt hơn nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo kiểm soát phát triển, tránh cho đô thị phải đối mặt với sự phát triển tự phát.

Vì vậy, mô hình đơn vị mới cần kế thừa, phát huy ưu điểm và thay đổi, khắc phục được nhược điểm của mô hình Đơn vị ở trong quá khứ, để thích ứng với nhu cầu phát triển mới trong quá trình đô thị hóa và hội nhập của Việt Nam. Loại hình cần phải đa dạng hơn, linh hoạt hơn, để thỏa mãn được mục tiêu làm cơ sở cho việc tạo dựng nơi cư trú tốt, phản ánh được hình thái phát triển đô thị, lồng ghép được các yêu cầu kiểm soát phát triển đô thị, đóng góp thiết thực cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Một cách khái quát, Đơn vị ở được hiểu như là các tế bào tạo nên đô thị và như vậy mỗi khu vực trong đô thị sẽ có mô hình Đơn vị ở mang hình thức khác nhau. Một Đơn vị ở điển hình có thể được hiểu là một mô hình tổ chức không gian một khu vực đô thị hóa có quy mô và ranh giới nhất định; nhằm xây dựng một tổng thể cân bằng của các hoạt động như cư trú, làm việc, học tập, nghỉ ngơi; tạo nên một khu vực đô thị có tính độc lập và cố kết nội tại một cách tương đối trong mối quan hệ với các bộ phận khác của thành phố. Mô hình Đơn vị ở điển hình chỉ thực sự phù hợp với các khu vực mở rộng của đô thị, có mối quan hệ tương đối độc lập với trung tâm đô thị cũ.

Việc xác định Đơn vị ở yêu cầu phân biệt theo các tầng bậc quy hoạch gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Đặc tính đơn vị ở cũng sẽ thay đổi, biến thiên theo đặc điểm đô thị, địa điểm và tính chất khu vực.

Với các phân tích, nhận diện về đặc điểm các khu vực phát triển đô thị, tác giả đề xuất phân loại thành 3 dạng Đơn vị ở chính là: Đơn vị ở cho khu vực phát triển mới; Đơn vị ở cho khu vực làng xóm đô thị hoá; Đơn vị ở đặc thù cho khu vực đô thị hiện hữu. Được hình thành trên các nguyên tắc cơ bản sau:

a) Đơn vị ở cho khu vực phát triển mới:

– Đơn vị ở có giới hạn về quy mô dân số và quy mô diện tích; có ranh giới và vùng rìa; phải được liên kết với các yếu tố bên ngoài. – Đơn vị ở là một tổng thể cân bằng các hoạt động: cư trú, mua sắm, làm việc, học tập, vui chơi – giải trí, giao tiếp xã hội, trong đó các công trình công cộng thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của người dân được bố trí trong phạm vi bán kính đi bộ. – Đơn vị ở có tính “khép kín” và “cố kết” (tương đối) về khía cạnh xã hội và khía cạnh không gian. – Đơn vị ở có trung tâm hoạt động và khu vực ở yên tĩnh tương đối. – Đơn vị ở có hệ thống giao thông phục vụ nội bộ và có các giải pháp kiểm soát giao thông xuyên qua. Đường giao thông liên khu vực trở lên không xuyên qua.

b) Đơn vị ở cho khu vực làng xóm đô thị hoá:

Đơn vị ở cho khu vực làng xóm đô thị hoá sẽ có những đặc tính chung với mô hình đơn vị ở cơ bản, tuy nhiên mang tính cộng đồng cao hơn và có những yếu tố đặc thù cần lưu ý: – Hình thành từ các cụm dân cư truyền thống là làng xóm nhằm duy trì các mối quan hệ cộng đồng truyền thống. – Yếu tố độ lớn về không gian: phù hợp cơ cấu giao thông và quy mô làng hiện hữu, chiều dài tối đa không quá 1.000 m để phù hợp với quy định về cấp đường giao thông liên khu vực không xuyên qua. – Quy mô dân cư: Quy mô của Đơn vị ở mới tương đương quy mô dân cư đơn vị ở hiện hành, phù hợp với cấp quản lý hành chính cấp cơ sở (nếu có thể). – Cấu trúc Đơn vị ở làng xóm: Khu vực lõi là làng truyền thống, khu vực vành đai ngoài là phát triển mới có mật độ và tầng cao phù hợp. Giao thông phát triển từ trục trung tâm làng nối kết không gian công cộng truyền thống với trung tâm mới ở khu vực mở rộng và liên kết với giao thông đô thị vành đai. Bổ sung giao thông vành ngoài làng xóm đảm bảo chỉ tiêu đất giao thông, tăng cường kết nối và cải thiện hạ tầng khu ở làng xóm cũ. – Chức năng sử dụng đất: đất ở làng xóm, ở mới, công trình công cộng truyền thống, công trình hạ tầng xã hội cấp I bổ sung, các công trình dân dụng và ngoài dân dụng đô thị có tính chất và quy mô phù hợp. c) Đơn vị ở đặc thù cho khu vực đô thị hiện hữu: Trong khu vực đô thị đã ổn định, các hoạt động kinh tế, văn hóa, giải trí, mua sắm, giao lưu, các quan hệ xã hội tạo cho mỗi cá nhân có mối tương tác rất đa dạng và phức tạp, tính “láng giềng” và tính “cố kết” nội tại tại khu vực này ít biểu hiện và ít quan trọng. Tuy nhiên, việc hình dung một loại “đơn vị” vẫn là cần thiết để thông qua quy mô diện tích, mật độ dân cư… có thể tính toán được những chỉ số giúp đưa ra các giải pháp, quyết định quản lý và kiểm soát các khu vực đô thị lõi trung tâm. Đó là loại Đơn vị ở đặc thù. – Quy mô Đơn vị ở đặc thù phụ thuộc hình thái kiến trúc, quy mô diện tích và dân số. – Chức năng sử dụng đất: đối với Hệ thống hạ tầng cấp I sẽ linh hoạt hơn, có thể giảm quy định về các công trình như: chợ (do các công trình siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã bù đắp và do tập quán sinh hoạt của người dân đô thị đã thay đổi), Nhà văn hoá và công trình y tế (do đã phân theo cấp hành chính, phụ thuộc các phường), đối với trường học và công viên vườn hoa, có thể linh hoạt về bán kính phục vụ, yêu cầu đáp ứng về chỉ tiêu. Các chức năng dân dụng và khác (đảm bảo môi trường) đều có thể được bố trí trong Đơn vị ở. – Cấu trúc Đơn vị ở đặc thù: không yêu cầu cấu trúc trung tâm và vùng rìa của đơn vị ở, phụ thuộc cấu trúc chung đô thị. – Ranh giới Đơn vị ở theo mạng lưới giao thông. Không cho phép giao thông cấp liên khu vực xuyên qua. Có thể lấy giao thông cấp liên khu vực và giao thông cấp khu vực làm ranh giới Đơn vị ở. Giao thông nội bộ được giải quyết bằng các giải pháp giao thông chậm, đảm bảo an toàn và đặc trưng “khép kín” tương đối của Đơn vị ở.

4. Kết luận

Đơn vị ở là một mô hình tổ chức không gian một khu vực đô thị hóa có quy mô và ranh giới nhất định, nhằm xây dựng một tổng thể cân bằng của các hoạt động trong đô thị như cư trú, làm việc, học tập, vui chơi, mua sắm; tạo nên một khu vực đô thị có tính độc lập và cố kết nội tại một cách tương đối trong mối quan hệ với các bộ phận khác của thành phố.

Các Đơn vị ở như là các tế bào tạo nên đô thị nhưng không phải khu vực nào trong đô thị cũng được tổ chức theo mô hình Đơn vị ở. Xây dựng đô thị theo một mô hình đơn vị ở thực sự phù hợp với quá trình đô thị hoá của Việt Nam là cần thiết và cáp bách. các khu vực mở rộng của đô thị, có mối quan hệ tương đối độc lập với trung tâm đô thị cũ.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện mô hình đơn vị ở đô thị là cần thiết dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm mô hình Đơn vị ở hiện hành, để thích ứng với nhu cầu phát triển mới trong quá trình đô thị hóa và hội nhập của Việt Nam. Đây có thể coi là một trong nững nội dung quan trọng của đổi mới phương pháp lập quy hoạch.

ThS.KTS Nguyễn Thị Hồng Vân

Tài liệu tham khảo:

– Bộ Xây dựng (1987), Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4449:1987 về Quy hoạch xây dựng đô thị – Tiêu chuẩn thiết kế; Các Quy chuẩn Việt Nam về Quy hoạch Xây dựng QCVN ban hành năm 1996, 2008, 2021; Quy chuẩn Việt Nam về Hạ tầng kỹ thuật đô thị QCVN 07:2016/BXD.
– Phạm Hùng Cường, Lâm Quang Cường, Đặng Thái Hoàng, Phạm Thúy Loan, Đàm Thu Trang (2006). Quy hoạch xây dựng đơn vị ở. NXB Xây dựng, Hà Nội.
– Phạm Hùng Cường (2011). Chuyển đổi cấu trúc làng xã vùng ven đô thị lớn đồng bằng sông Hồng thành đơn vị ở trong quá trình đô thị hoá. Luận án tiến sỹ kiến trúc.
– Trần Minh Tùng (2016). Quá độ trong chuyển đổi các dạng thức quy hoạch đô thị Hà Nội. NXB Xây dựng, Hà Nội.
– Nguyễn Đỗ Dũng (2010). Các mô hình quy hoạch đô thị: “Đơn vị ở”. Tạp chí Xây dựng, số 01-2010
– Đề tài đổi mới phương pháp lập quy hoạch (2020) -VIUP
– Jacobs, J. (1993). The Death and Life of Great American Cities. Modern Library Edition Publications, New York.
– Rachel Kallus, Hubert Law-Yone (2000). What is a neighbourhood? The structure and function of an idea. Environment and Planning B: Planning and Design2000, 27(6):815-826.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích