Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị

(Xây dựng) – Tại phiên họp chương trình chuyên đề pháp luật ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị (Nghị quyết số 1210). Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210.

hoan thien he thong phap luat ve phan loai do thi
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại phiên họp (Ảnh: Duy Linh).

Công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25/5/2016 nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 140 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 1210, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận 05 đô thị loại I, 12 đô thị loại II; Bộ Xây dựng theo thẩm quyền đã ban hành quyết định công nhận đối với 20 đô thị loại III và 33 đô thị loại IV.

Giai đoạn 2016 – 2021, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp Bộ Nội vụ, thẩm định trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết nghị thành lập 05 thành phố, 14 thị xã và 144 phường; phối hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị và nông thôn. Tính đến tháng 6 năm 2022, cả nước có 883 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV và 686 đô thị loại V.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị sau khi được ban hành đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị. Phân loại đô thị đã trở thành một trong các cơ sở để lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị; quản lý, đầu tư phát triển đô thị; xây dựng điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý, đầu tư phát triển đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị. Qua đó, đã phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và kiến trúc cảnh quan; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.

Vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số quy định trong Nghị quyết số 1210 cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Trong Nghị quyết số 1210, một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị chưa xem xét đến đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù; không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hoặc các quy định mới, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành mới được ban hành.

Nghị quyết số 1210 cũng chưa có quy định cụ thể để thể chế hóa các quy định, chỉ đạo của Đảng được ban hành tại các Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết khác có liên quan của Bộ Chính trị; chưa quy định việc áp dụng đánh giá phân loại đối với đô thị có tính chất đặc thù như các đô thị được định hướng phát triển bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa địa phương; chưa cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định pháp luật còn có những điểm cần được rà soát, quy định cụ thể để thống nhất cách hiểu và áp dụng trong thực tế. Mối quan hệ giữa phân loại đô thị và công nhận đơn vị hành chính đô thị tương đương còn chưa cụ thể, đồng bộ, nhất là đối với trường hợp phạm vi thành lập đơn vị hành chính đô thị khác với phạm vi phân loại đô thị. Trình tự thực hiện, thẩm quyền đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường cũng chưa được quy định rõ ràng. 

Việc kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu, việc quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị chưa được quy định cụ thể.

Tập trung hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết và cấp bách.

Thời gian qua, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 đã được các bên có liên quan tham gia soạn thảo, bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện nội dung. Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành chức năng tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 1210 và đề xuất xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210.

hoan thien he thong phap luat ve phan loai do thi
Quốc hội tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210.

Qua quá trình tiếp thu ý kiến, đặc biệt là của lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 1210 và báo cáo Chính phủ. Từ đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 292/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung bổ sung.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 tiến hành sửa đổi, bổ sung các nội dung gồm mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị; sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù; sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị; bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị; sửa đổi, bổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị.

Đáng chú ý, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định mức áp dụng khác nhau về quy mô dân số, mật độ dân số đối với 6 vùng kinh tế – xã hội, đặc biệt là các vùng trung du miền núi phía bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết quy định một số trường hợp xem xét cộng điểm để khuyến khích các đô thị phân bố dân cư hiệu quả, có giải pháp triển khai ứng dụng kỹ thuật số vào quản lý, chống ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, kiểm soát thiên tai, triều cường, bão lũ… Quy định này nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển đô thị bền vững, thông minh, bổ sung quy định đảm bảo các đô thị từ loại III trở lên phải đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị…

Thông qua việc xây dựng dự thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 lần này chính là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị. Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy trình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án và các báo cáo phân loại đô thị.

Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại đô thị, kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu; quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan còn hiệu lực thi hành.

Thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết Danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân chia theo 6 vùng miền phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội theo vùng đã được cấp có thẩm quyền xác định.

Đồng thời đề nghị chưa đưa các đô thị loại IV, loại V chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai vào diện đô thị có yếu tố đặc thù cần được giảm tiêu chí phân loại đô thị bởi chưa có căn cứ, cơ sở để tính toán, xác định cụ thể địa bàn, số lượng đô thị sẽ được áp dụng. Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng không xem xét tiêu chí mật độ dân số…

hoan thien he thong phap luat ve phan loai do thi
Nghị quyết về phân loại đô thị đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật; không xem xét tiêu chí mật độ dân số khu vực dự kiến thành lập đô thị, bảo tồn, phát huy giá trị cố đô được UNESCO công nhận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành bổ sung phụ lục về danh sách các tỉnh, thành phố chia theo 6 miền, đồng thời đề nghị các cơ quan rà soát, chỉnh sửa các phụ lục còn lại để bảo đảm tính khả thi. 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo mới kèm theo báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp tại phiên họp này để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích