Hoàn thiện hạ tầng và sản phẩm, góp phần phát triển du lịch bền vững
Nhiều địa phương trọng điểm du lịch phía Nam quan tâm khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn với du khách.
Công ty Ảnh Việt Hop on Hopoff VN đã ứng dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ hiện đại vào phục vụ tuyến xe buýt vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh đạt 10/10 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN) |
Góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương trọng điểm về du lịch ưu tiên triển khai các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư hạ tầng, đa dạng sản phẩm nhằm từng bước tạo sự phát triển bền vững cho ngành kinh tế tổng hợp này.
Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố, nhiều giải pháp phù hợp đã được triển khai nhằm phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vị trí của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng nhiều chương trình hành động, đề án thực hiện ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển thành phố; trong đó, tiếp tục định hướng, xác định vai trò quan trọng của ngành Du lịch trong sự phát triển của thành phố.
Đây là tiền đề, “công cụ” quan trọng để thành phố xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ và cụ thể trong thu hút đầu tư, phát triển ngành Du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Bên cạnh đó, ngày 19/10/2021, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt Danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển của thành phố giai đoạn 2021-2025 thuộc đối tượng ưu tiên đầu tư trực tiếp và cho vay của Công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố. Thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch.
Về hoàn thiện hạ tầng giao thông liên quan đến lĩnh vực du lịch, thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng đối với giao thông đường bộ, nhiều dự án đã triển khai và phát huy hiệu quả như dự án ô tô điện phục vụ du lịch, các dự án điểm dừng chân trên địa bàn.
Thành phố đang tổ chức thí điểm dịch vụ vận chuyển du lịch bằng xe ôtô 2 tầng, thoáng nóc trên địa bàn thành phố, với tên gọi tuyến xe du lịch vòng khu vực trung tâm thành phố (Hop on-Hop off).
Đơn vị chức năng nghiên cứu, khảo sát một số tuyến đường để bố trí các trạm dừng chân nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục vụ khách tham quan; đầu tư cải tạo, nâng cấp hàng trăm km đường, hẻm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Đặc biệt, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh) đang trong quá trình triển khai, dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới sẽ giải quyết bài toán giao thông cho tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần tháo gỡ tình trạng “thắt nút” trong giao thông cho vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch toàn vùng.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang là một trong những địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự là “đòn bẩy” giúp địa phương khai thác các lợi thế tài nguyên, phân bổ nguồn lực thích hợp, thu hút đầu tư để ngành du lịch là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh.
Kiên Giang huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường thủy, đường biển; tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020.
Tỉnh bổ sung một số dự án hạ tầng du lịch và triển khai các tiểu dự án thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư lớn đầu tư tại thành phố Phú Quốc. Do đó, tỉnh tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông trên đảo Phú Quốc.
Đến nay, hệ thống giao thông trên đảo được nhựa hóa, bê tông hóa. Nhiều công trình lớn đã đưa vào sử dụng như cảng biển quốc tế An Thới, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Dự án điện cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc, Dự án Cảng tàu biển hành khách quốc tế, Nhà máy xử lý rác thải, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi phát triển du lịch.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn với du khách, các địa phương quan tâm khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc khai thác sản phẩm du lịch hiện có, thành phố tập trung phát triển thêm sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái và đường thủy, du lịch hội nghị-hội thảo (MICE), du lịch y tế…
Đối với loại hình du lịch văn hóa-lịch sử, đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách để xây dựng, triển khai kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch di sản, văn hóa; xây dựng, phối hợp tổ chức một số chương trình du lịch đặc thù gắn với di sản văn hóa trên địa bàn…
Với loại hình du lịch ẩm thực và mua sắm, thành phố tập trung khai thác tại các làng du lịch, khu du lịch, trang trại tham quan kết hợp như tham quan và kết hợp tìm hiểu ẩm thực, trải nghiệm “Một ngày làm đầu bếp,” xây dựng phố ẩm thực tại các Quận 1, 5, 6…
Du khách quốc tế khám phá không gian du lịch Đảo Ngọc Phú Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Tại Kiên Giang, địa phương này đã ban hành và thực hiện Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh triển khai đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển – đảo, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh… tại địa bàn trọng điểm.
Ngành Du lịch Kiên Giang tập trung kêu gọi đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Doanh nghiệp lữ hành xây dựng và thực hiện tour du lịch kết nối vùng du lịch trọng điểm của địa phương với các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, đến nay, trên địa bàn, nhiều dự án lớn đã triển khai, góp phần đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch, trong đó có các dự án ở thành phố Phú Quốc như Vinpearl Phú Quốc, Vườn thú Safari Phú Quốc, Khu Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Khem, dự án cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm Phú Quốc, sân Golf Phú Quốc…
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương có nhiều tài nguyên du lịch gắn với vùng đất Đông Nam Bộ, đặc biệt là hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng. Tỉnh thực hiện nhất quán quan điểm phát triển nhanh ngành Du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương.
Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương đặc biệt coi trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch. Tỉnh thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế, phát triển sản phẩm du lịch cao cấp thuộc các loại hình gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử-tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Từ thực tế đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã có những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói.”
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, việc đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương đã có tác dụng quan trọng, hiệu quả trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn bộ máy hành chính.
Do đó Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho thành phố tiếp tục áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù trong thu hút đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn.
Ngoài ra, thành phố kiến nghị hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí trong Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch tại địa bàn trọng điểm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng lân cận.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ cụ thể hóa những chính sách ưu đãi phát triển du lịch tại Luật Du lịch năm 2017 theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa đủ sức thu hút, nhất là các khu vực điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Các chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chưa rõ ràng; chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thuế, đất đai, xuất nhập cảnh từng lúc, từng nơi khó tiếp cận, thủ tục còn phức tạp; khả năng tiếp cận chủ trương, chính sách về hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp hoạt động du lịch chưa cao, do còn gặp rào cản về quy trình, thủ tục (do vận dụng chính sách từ ngành khác).
Do đó, trong Luật Đất đai nên có quy định riêng về đất sử dụng cho du lịch. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Xây dựng, khu du lịch được coi là phân khu chức năng đặc thù giống như khu kinh tế, khu công nghiệp nên cần có chế độ quản lý, sử dụng đất đai riêng cho phù hợp với nét đặc thù.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch (du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, xây dựng sản phẩm du lịch ban đêm…) để đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn./.
Nguồn: Báo xây dựng