Hoàn thiện Dự thảo Chỉ thị về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030

Xây dựng, hoàn thiện nhiều dự thảo văn bản pháp luật

Trong Quý III năm 2023, Bộ KH&CN hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 văn bản (02 Nghị định; 01 Nghị quyết và 01 Chỉ thị), gồm: (1) Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN; (2) Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; (3) Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023 về việc chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN về UBND thành phố Hà Nội quản lý; (4) Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/10/2023 về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 08 dự thảo văn bản: (1) Nghị định quy định về khu công nghệ cao; (2) Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”; (3) Quyết định phê duyệt giải pháp tổng thể về KH&CN và ĐMST nhằm nâng cao năng suất lao động đến năm 2030; (4) Quyết định quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; (5) Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030; (6) Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng; (7) Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; (8) Chỉ thị về thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST vùng Đông Nam Bộ.

 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang thông tin về kết quả hoạt động của Bộ KH&CN trong quý III/2023.

Trong Quý III/2023, Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi làm việc của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ KH&CN về triển khai các hoạt động KH&CN phục vụ xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng trong thời gian tới; phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi làm việc của đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ với Bộ KH&CN về tình hình phát triển KH,CN&ĐMST trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ KH&CN tháp tùng các đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ hoặc tổ chức các đoàn công tác của Bộ tham dự các Hội nghị/Hội thảo; tổ chức các buổi làm việc song phương với các đối tác quốc tế tại: Bra-xin, Cu-ba, Nhật Bản, Australia, Áo nhằm tăng cường quan hệ quốc tế về KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước với các đối tác nước ngoài; tăng cường thu hút nguồn lực KH&CN từ nước ngoài vào Việt Nam; thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân, nâng cao hiệu quả các hoạt động thanh sát hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển bền vững.

Cũng trong Quý III, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố tổ chức các sự kiện: (1) Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo – Phát triển bền vững” tại Quảng Ninh với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức, tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; (2) Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023 (AI4VN 2023) với chủ đề “Sức mạnh cho cuộc sống” tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia đông đảo cộng đồng quan tâm đến phát triển công nghệ và ứng dụng AI trong nước, quốc tế; (3) Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 (VINANST-15) tại Khánh Hòa với quy mô lớn ở tầm khu vực nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước vì mục đích hòa bình.

Bộ KH&CN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam. Theo Báo cáo GII 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27/9/2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 03 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình/kế hoạch công tác của Bộ, trong Quý IV/2023, Bộ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH,CN&ĐMST. Cụ thể, hoàn thiện, trình Ban Bí thư dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo;

Hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 08 dự thảo văn bản (02 đề nghị xây dựng Luật; 03 Nghị định và 03 Quyết định), gồm: (1) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; (2) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá; (3) Nghị định quy định chi tiết về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” và các giải thưởng khác về KH&CN; (4) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ; (5) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; (6) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; (7) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư; (8) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định 28/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN; Tổ chức triển khai các hiệp định, thoả thuận hợp tác song phương về KH&CN với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt chú trọng các nước là đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên cơ sở thế mạnh của đối tác và nhu cầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác về KH,CN&ĐMST gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong Quý IV/2023, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp tổ chức: (1) Hội nghị giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; (2) Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ; (3) Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới; (4) Techmart Việt Nam 2023; (5) Techfest quốc gia; (6) Khóa họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF); (7) Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu

Tại cuộc họp báo, đại diện các cục, vụ liên quan của Bộ KH&CN đã chia sẻ thông tin xung quanh vấn đề nâng cao điều kiện làm việc, chất lượng sống của các nhà khoa học.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ KH&CN), Bộ đã nhận thấy một số vướng mắc trong vấn đề nêu trên nên tiến hành rà soát bước đầu những khó khăn gặp phải trong thời gian qua. Sắp tới, khi triển khai sửa đổi Luật KHCN, Bộ KH&CN dự kiến sẽ bổ sung một số chính sách. Chẳng hạn như làm rõ hơn về các khái niệm như nhà khoa học, nhà khoa học đầu ngành, để có những ưu đãi tương ứng với các chức danh này.

“Chúng ta biết là thời nay việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, trong doanh nghiệp cũng rất nhiều. Chúng tôi dự kiến sẽ quy định rõ hơn các chức danh công nghệ, thể hiện sự quan tâm của nhà nước cũng như các chính sách ưu đãi liên quan tới các chức danh này. Hoặc, cũng sẽ bổ sung quy định liên quan đến việc các bộ, ngành sẽ phải quan tâm hơn trong việc đào tạo nhân lực KH&CN, để nâng cao chất lượng và năng lực các nhà khoa học trẻ cũng như các nhà khoa học tài năng”, bà Diệp chia sẻ.

Bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN).

Còn bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, thực hiện Luật KH&CN, từ năm 2013, Bộ KH&CN phối hợp một số bộ, ngành xây dựng và ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ ban hành một số chính sách liên quan tới việc nâng cao đời sống của nhà khoa học. Trong đó, có một số chính sách đặc thù ưu đãi đối với nhóm nhà khoa học chất lượng cao như nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng.

“Tuy nhiên, như Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã đề cập, mặc dù mong muốn và kỳ vọng rất nhiều nhưng những chính sách dành cho cá nhân hoạt động KH&CN còn rất khiêm tốn. Trong đó, có vấn đề tiền lương và thu nhập đối với người làm khoa học thì thực sự là chưa tương xứng với những cống hiến, đóng góp của lực lượng này với sự phát triển KH-CN và phát triển kinh tế – xã hội”, bà Vân Anh nói.

Theo bà Vân Anh, một trong những cơ chế giúp các tổ chức KH&CN thực hiện được việc chi trả tiền lương và thu nhập cho người làm việc trong tổ chức mình có thể cải thiện hơn, đó là chính sách tự chủ đối với tổ chức KH&CN.

Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2021). Việc thực hiện nghị định này khiến việc thực hiện chính sách ưu đãi nhà khoa học đã có một số điểm không còn thuận lợi so với trước đây. Ví dụ, trước đây, các tổ chức KH&CN có thể chi trả lương cho nhà khoa học mức cao nhất là gấp 3 lần lương nhưng hiện nay mức này đã bị giới hạn.

Trong khi đó, KH&CN là lĩnh vực sự nghiệp, để xây dựng bảng lương riêng khác với các lĩnh vực khác thực sự là một khó khăn. Tuy nhiên, có một số giải pháp góp phần cải thiện vấn đề này. Trước hết, theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương (sẽ được thực hiện từ năm 2024) thì việc chi trả tiền lương theo vị trí việc làm. Khi đó sẽ có cơ chế để thực hiện việc chi trả tiền lương xứng đáng với vị trí, đóng góp của từng nhà khoa học.

Thứ hai, hiện nay, Bộ KH&CN được Quốc hội và Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm mang tính đặc thù, phù hợp với tổ chức KH&CN công lập. Dự kiến những nội dung sửa đổi, bổ sung đó sẽ giao cho thủ trưởng tổ chức KH&CN quyền được tự chủ một cách toàn diện, chứ không phải như Nghị định 60 hiện nay là chỉ dựa trên cơ sở là tự chủ tài chính. Tự chủ toàn diện, trong đó có nội dung hết sức quan trọng là tự chủ trong công tác nhân sự, tức là tự chủ trong việc tuyển chọn, tuyển dụng, chi trả lương.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích