Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh

Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh

Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Đảm bảo kế thừa sự ổn định của hệ thống pháp luật

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Theo đó, Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 được Quốc hội khóa 13 thông qua năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.

Sau khi được ban hành, Kinh doanh BĐS đã hoàn thiện hơn về khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường BĐS, đưa ra các quy tắc kinh doanh, giao dịch cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh BĐS; thiết lập nền tảng, cơ sở pháp lý cho thị trường BĐS vận hành.

Sau gần 08 năm triển khai thực hiện, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh BĐS cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Quốc hội đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh doanh BĐS để phát triển thị trường BĐS trên cơ sở quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, lành mạnh, ổn định và vận hành thông suốt…bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và TPHải Phòng. Ảnh: quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, dự án luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 08 năm thi hành Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật này với các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, việc xây dựng dự án luật luôn bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, văn bản khác có liên quan của Chính phủ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển thị trường BĐS;

Đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Kinh doanh BĐS năm 2014.

Bên cạnh đó, dự án luật được xây dựng trên quan điểm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến BĐS như đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường BĐS.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh BĐS theo cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Sửa đổi cần bảo đảm không tạo ra rào cản

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh BĐS. Theo đó, dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Cụ thể, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật, đối chiếu với các dự thảo Luật có liên quan. Việc sửa đổi các dự thảo Luật này cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bám sát định hướng chính sách chung, không tạo ra rào cản về chính sách đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và dự kiến danh mục các văn bản hướng dẫn cần ban hành.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng hoạt động kinh doanh BĐS được điều chỉnh theo Luật Kinh doanh BĐS phải đáp ứng đầy đủ bản chất, nội hàm của hoạt động kinh doanh nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, phù hợp với khái niệm về kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa đổi quy định rõ các trường hợp tại khoản 3 Điều 10 không phải tuân thủ điều kiện về BĐS, dự án BĐS theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS. Mặt khác, đề nghị bổ sung quy định về chuyển nhượng dự án BĐS tại Điều 1 dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của dự án Luật và phù hợp với Luật Đầu tư.

Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thống nhất về khái niệm và theo nguyên tắc những nội dung về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất có đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS;

Chuyển nhượng dự án BĐS thì quy định tại Luật Kinh doanh BĐS; các luật khác có liên quan không nhắc lại quy định đó mà dẫn chiếu theo Luật Kinh doanh BĐS. Ngoài ra, về áp dụng Luật Kinh doanh BĐS và các luật có liên quan, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật vì đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích