Hoàn Kiếm (Hà Nội): Định hướng phát triển kinh tế đêm làm đòn bẩy để bứt phá
(Xây dựng) – Kinh tế ban đêm (KTBĐ) đã được hình thành ở quận Hoàn Kiếm từ nhiều năm nay, diễn ra dưới các loại hình như: Các không gian đi bộ khu phố cổ, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, chợ đêm Đồng Xuân, các tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân…cùng các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố vào ban đêm. Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần từ thứ Sáu đến Chủ nhật, một số hoạt động đã ghi dấu ấn, trở thành nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của người dân và là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với Thủ đô.
Quận Hoàn Kiếm xây dựng một hình ảnh mang bản sắc riêng, trên cơ sở bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa lịch sử nghìn năm văn hiến, vừa sáng tạo phù hợp với xu thế chung. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVI Đảng bộ quận Hoàn Kiếm; Chương trình 02-CTr/QU của Quận uỷ Hoàn Kiếm về “Phát huy tiềm năng thế mạnh, đẩy nhanh phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bền vững với trọng tâm là phát triển du lịch”. Ngày 01/11/2021, Ban Thường vụ Quận ủy ban hành Đề án số 11-ĐA/QU về “phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đề án được triển khai thực hiện theo định hướng tập trung phát triển các Không gian động lực và các lĩnh vực dịch vụ chủ yếu của KTBĐ, tạo tiền đề cho phát triển KTBĐ toàn diện trên toàn địa bàn quận.
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành thương hiệu của du lịch Hà Nội, các sự kiện văn hóa quy mô lớn được tổ chức thu hút hàng triệu du khách. |
6 không gian tạo động lực phát triển kinh tế ban đêm
Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của Covid-19, song dưới sự chỉ đạo của Quận ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận, các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển KTBĐ của Quận ủy đã được UBND quận triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ phát triển các không gian động lực của KTBĐ như: Tổ chức hoạt động trở lại các không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận và các không gian đi bộ trong khu phố cổ từ ngày 18/3/2022 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật có chất lượng tốt, phong phú, hấp dẫn tạo điểm nhấn; Triển khai một số dự án thành phần của Đề án phát triển khu vực Đồng Xuân – Bắc Qua từng bước hình thành trung tâm dịch vụ, thương mại chất lượng cao; Triển khai Đề án nâng cao chất lượng tuyến phố văn hóa ẩm thực Tống Duy Tân – ngõ Cấm Chỉ hình thành tuyến phố đi bộ ẩm thực không giới hạn thời gian hoạt động; Tiếp tục tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 02h sáng từ 19h00 ngày thứ sáu đến 24h00 ngày chủ nhật… góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh mới, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn quận phục hồi và phát triển theo đúng định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Cụ thể, UBND quận Hoàn Kiếm triển khai các nhiệm vụ phát triển 6 không gian tạo động lực phát triển KTBĐ, gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Các không gian đi bộ trong Khu phố cổ; Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng – Gầm Cầu; Tuyến phố “Văn hóa ẩm thực Việt Nam” Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông; Tuyến phố Tràng Tiền – Quảng trường Cách mạng tháng 8; Tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống.
Phát triển các lĩnh vực dịch vụ chủ yếu của KTBĐ, gồm: Dịch vụ du lịch (dịch vụ lưu trú, lữ hành, thăm quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc); Dịch vụ thương mại (các tuyến phố thương mại truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích); Dịch vụ văn hóa (các không gian đi bộ, không gian sáng tạo hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhà hát, rạp chiếu phim, chương trình lễ hội, sự kiện, hoạt động vui chơi, giải trí); Dịch vụ ẩm thực (tuyến phố ẩm thực, nhà hàng, quán cà phê, thức ăn đường phố); Dịch vụ vận chuyển: hoạt động vận tải hành khách, giao thông tĩnh; Dịch vụ tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động KTBĐ.
Doanh thu từ các hoạt động KTBĐ ước tính chiếm 15,2% tổng doanh thu dịch vụ, thương mại, du lịch quận
Theo báo cáo từ UBND quận, đóng góp của các hoạt động KTBĐ vào kết quả thu NSNN tính riêng trong năm 2022, mức doanh thu từ hoạt động KTBĐ ước tính chiếm khoảng 15,2% tổng doanh thu dịch vụ, thương mại, du lịch quận. Số lượt khách lưu trú qua đêm tại quận tăng nhanh: năm 2021 là 625.604 lượt, năm 2022 là 996.039 lượt và ước 6 tháng năm 2023 là 783.135 lượt. Kéo theo tăng trưởng của doanh thu dịch vụ du lịch, gồm: Doanh thu khách sạn, nhà hàng năm 2021 là 2.976 tỷ, năm 2022 là 5.804 tỷ và ước 6 tháng năm 2023 là 4.736 tỷ; doanh thu đại lý du lịch, tour du lịch năm 2021 là 189 tỷ, năm 2022 là 896 tỷ và ước 6 tháng năm 2023 là 1.053 tỷ.
Không chỉ vậy, số lao động phục vụ hoạt động KTBĐ ước khoảng 12 nghìn người, chiếm khoảng 10% tổng số lao động trên địa bàn. Các sản phẩm, dịch vụ KTBĐ ngày càng đa dạng hơn và dần hình thành các điểm đến đặc trưng của KTBĐ như các không gian đi bộ trên địa bàn quận, các không gian ẩm, các điểm di tích…góp phần không nhỏ vào việc tăng chất lượng và đa dạng của ngành dịch vụ cũng như thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước người dân tập trung về Hoàn Kiếm. Có thể thấy, phát triển KTBĐ đã góp phần khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng đô thị, tạo điểm nhấn về kinh tế đô thị.
Đầu tư, chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo động lực bứt phá
Để phục vụ cho các hoạt động KTBĐ, quận tiến hành hoàn chỉnh hạ tầng đô thị đồng bộ với cải tạo chỉnh trang mặt đứng các các tuyến phố tại các không gian động lực phát triển. Điển hình là cải tạo chỉnh trang tuyến phố Phùng Hưng và tuyến phố Hàng Thùng, tiếp tục hoàn thiện thủ tục để triển khai cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ô Quan Chưởng.
Ngoài ra, tăng cường chiếu sáng tại các khu vực di tích lịch sử, đình, đền, chùa, các công trình có giá trị. Quận cũng đã thực hiện đồng thời đối với các dự án tu bổ, tôn tạo di tích như: Đình Tân Khai, đình Nam Hương, đền Bạch Mã, đền Phù Ủng, đền Đông Thành, đền Hỏa Thần, Hội quán Quảng Đông…và các địa điểm do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm quản lý như: Đình Tân Khai, đền Quan Đế…và đang tiếp tục triển khai đồng thời với các dự án như: Đình Cổ Vũ, Công an quận Hoàn Kiếm…
Theo các chuyên gia, quận Hoàn Kiếm có nhiều lợi thế phát triển KTBĐ như vị trí thuận lợi, bên cạnh những yếu tố văn hóa – nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao…Với những đột phá về nhận thức và cách nghĩ, cách làm mới, kỳ vọng KTBĐ sẽ là “cửa sáng” cho phát triển các ngành dịch vụ thương mại và du lịch, đáp ứng nhu cầu của cả du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn: Báo xây dựng