Hoàn Kiếm (Hà Nội): Chú trọng tu bổ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản

(Xây dựng) – Quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa – Thủ đô Hà Nội nay, là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa cùng những tinh hoa của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm chú trọng triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế và công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn, tạo nên bản sắc riêng biệt.

Hoàn Kiếm (Hà Nội): Chú trọng tu bổ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản
Nhà Thờ Lớn với nét kiến trúc độc đáo được xây dựng theo phong cách tân gothic.

Trải qua biết bao nhiêu năm phát triển đi lên cùng Thủ đô, quận Hoàn Kiếm hiện nay đã trở thành quận trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa. Quận Hoàn Kiếm đang lưu giữ một quần thể các di sản vật thể đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long xưa và nay. Có thể khẳng định, Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô. Với bề dày lịch sử truyền thống quý báu, Hoàn Kiếm là nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể với gần 200 di tích lịch sử, văn hóa và di tích cách mạng – kháng chiến. Trong đó tiêu biểu là Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn – di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia đặc biệt, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chùa Quán Sứ, Nhà Thờ Lớn, Nhà tù Hỏa Lò… cùng với đó là các giá trị phi vật thể phong phú, hấp dẫn như các phố nghề, phố chuyên doanh, phố ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; những lễ hội truyền thống (đền Bạch Mã – là trấn đông của thành Thăng Long xưa, đình Kim Ngân, đình Yên Thái, lễ hội Trung thu Phố cổ, lễ hội Kim hoàn, lễ hội Vua Lê đăng quang…) đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, góp phần quan trọng làm nên bản sắc Thăng Long – Hà Nội.

Hoàn Kiếm (Hà Nội): Chú trọng tu bổ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản
Di tích lịch sử 48 Hàng Ngang – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập.

Theo báo cáo của quận Hoàn Kiếm, các hoạt động hợp tác quốc tế và công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa được coi trọng nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch, đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là tại khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Cụ thể, trong năm 2023, quận đầu tư giải phóng mặt bằng di chuyển 14 hộ dân, 1 tổ chức, tôn tạo tổng thể và hoàn chỉnh 7 di tích với tổng kinh phí hơn 108 tỷ đồng và lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hàng 8 di tích. Đặc biệt, quận đã triển khai nhiều không gian văn hóa sáng tạo có hiệu quả như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Sách Hà Nội tại phố 19/12, không gian bích họa phố Phùng Hưng.

Quận Hoàn Kiếm chủ động nghiên cứu và sưu tầm tài liệu, phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện các phương án thiết kế kiến trúc, thực hiện cải tạo sửa chữa, tu bổ di tích như: Phối hợp với PRX theo dõi đơn vị thi công công trình 49 Trần Hưng Đạo, làm việc với PRX về nội dung trưng bày, thiết kế hoàn thiện phương án tổng mặt bằng, nhà phụ trợ; Hoàn thành tu bổ, tôn tạo đình Trung Yên; Tu bổ, tôn tạo đình Hà Vĩ, quận Hoàn Kiếm; Tiếp tục nghiên cứu thực hiện tu bổ, tôn tạo đình Thanh Hà; Tu bổ, tôn tạo đình Kim Ngân… Trong giai đoạn tới, quận đặt mục tiêu lập hồ sơ khoa học quản lý từ 15 đến 20 di tích; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng từ 10 đến 15 di tích; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo tổng thể 05 di tích; nâng mức xếp hạng 02 di tích.

Hoàn Kiếm (Hà Nội): Chú trọng tu bổ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản
Đền Bà Kiệu – một di tích thờ Mẫu đặc sắc.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền góp phần giới thiệu, quảng bá di sản tới đông đảo du khách, bạn bè trong nước và quốc tế; nâng cao nhận thức của người dân và kêu gọi mọi người cùng chung tay với chính quyền trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; góp phần phát triển kinh tế, du lịch. Trong 5 tháng đầu năm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền tại các điểm nổi bật như: Mừng Đảng – Mừng Xuân Quý Mão 2023; Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”, Lễ hội đình Kim Ngân và hội nghề kim hoàn năm 2023, Tọa đàm “Ngành Kim hoàn với Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội”, trưng bày “Huyền thoại bước chân”…; phối hợp cùng các đơn vị trong quận tổ chức thành công Lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2023). Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa như Triển lãm ảnh trong chuỗi sự kiện Hanoi photo’23 của Viện Pháp, các Tọa đàm chuyên đề, các buổi hòa nhạc cổ điển tại 22 Hàng Buồm, trình diễn âm nhạc truyền thống Chuyện Nhạc Phố cổ, Giải cờ vua Quốc tế tại 50 Đào Duy Từ, trình diễn cổ phục tại 42 Hàng Bạc… Ngoài ra, phối hợp với Công ty Cổng Vàng hoàn thành gắn biển mã QR giới thiệu các điểm liên kết với Hoankiem360 tại 11 điểm di tích và chụp hình, quay clip cập nhật thông tin tại 4 điểm di tích.

Với những giá trị di sản còn hiện hữu, khu phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và của cả cộng đồng. Với gần 200 di tích văn hóa lịch sử, quận Hoàn Kiếm rất quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích