Hoài Đức (Hà Nội): Những “lùm xùm” tại Dự án Thăng Long Victory hiểu sao cho đúng?
(Xây dựng) – Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, Dự án Thăng Long Victory do Tập đoàn Phúc Hà làm Chủ đầu tư cố tình chậm bàn giao sổ hồng cho khách hàng, vậy vấn đề này cần được hiểu như thế nào cho đúng?
Phối cảnh Dự án Thăng Long Victory (An khánh, Hoài Đức, Hà Nội). |
Dự án Thăng Long Victory (Tòa T3 và T4 lấy tên là Cụm tòa nhà Thăng Long Capital) do Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (Tập đoàn Phúc Hà) làm Chủ đầu tư cấp II. Dự án có tổng 5 tòa hỗn hợp, tọa lạc ngay cạnh mặt đường Đại lộ Thăng Long. Hiện nay, dự án đã xây xong và bàn giao 3 tòa T1, T2 và T3, tòa T4 đã được cất nóc, dự kiến quý II năm 2022 sẽ bàn giao tới khách hàng.
Được biết, ngày 30/6/2004 UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 697QĐ/UB thu hồi 202.626,5ha đất nông nghiệp và đất chuyên dùng thuộc địa giới hành chính 2 xã An Khánh và An Thượng huyện Hoài Đức tạm giao cho tổng Công ty Sông Đà để lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Nam An Khánh.
Ngày 04/4/2007, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 563/QĐ-UBND giao chính thức 1.818.410,4m2 đất tạm giao tại Quyết định số 697QĐ/UB và thu hồi bổ sung 57.665,9m2 đất nông nghiệp thuộc địa bàn 2 xã An Khánh và An Thượng huyện Hoài Đức để giao cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Nam An Khánh. Như vậy, tổng diện tích đất giao cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà là 1.876.076,3m2, thời hạn sử dụng đất lâu dài.
Ngày 15/7/2009, Công ty Phúc Hà nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất ô đất ký hiệu HH1 từ chủ đầu tư cấp 1 là Sudico theo hợp đồng số 06/2009-HĐCN-NAK, với diện tích là 31.934m2. Và, Sudico đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với toàn bộ lô đất được giao trong đó có ô đất HH1.
Ngày 17/6/2011, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 2796/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Nam An Khánh và phần mở rộng khu B, tỷ lệ 1/500 tại xã An Khánh và An Thượng huyện Hoài Đức trong đó có khu đất kí hiệu HH1.
Ngày 10/3/2014, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có văn bản số 842/QHKT-P5 về việc tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ tòa nhà T1, T2. Trong đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội thống nhất nội dung đề xuất tại bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ tòa T1 và T2 với các nội dung và yêu cầu: Các nội dung chủ yếu như diện tích đất 31.934m2, diện tích xây dựng 14.495m2, tổng diện tích sàn 317.502m2, tổng diện tích sàn dịch vụ, thương mại 112.840m2, tổng diện tích sàn căn hộ 207.162m2, mật độ xây dựng tối đa đối với khối tháp là 29%, khối đế 45%, hệ số sử dụng đất 9.94 lần, tầng cao khối tháp là 25,35 và 40 tầng.
Ngày 23/4/2014, Công ty Phúc Hà có Quyết định số 03/QĐ-HĐQT-PHUCHA về việc phê duyệt tổ hợp dự án chung cư và dịch vụ hỗn hợp Thăng LongVictory giai đoạn I (Tòa T1).
Dự án Thăng Long Victory đã xây dựng 4/5 tòa nhà hỗn hợp, bàn giao đi vào sử dụng 3 toà, tòa thứ 4 đã cất nóc, dự kiến bàn giao giữa năm 2022 (Ảnh: Phúc Hà). |
Ngày 02/7/2014, Sở Xây dựng có Văn bản số 4625/SXD-QLCP xác nhận tòa T1 được miễn giấy phép xây dựng (thuộc dự án có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
Trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng của Hà Nội có ghi nhận chủ đầu tư Phúc Hà trong quá trình thi công, xây dựng tòa T1 có để xảy ra 1 số thiếu sót như: Tại tầng 1,2,3 công ty xây dựng chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế được duyệt. Từ tầng 4-24, căn D có thay đổi vị trí tường so với bản vẽ kiến trúc được duyệt.
Qua đó, tại Văn bản số 11503/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 25/11/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu Phúc Hà liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ và các tồn tại để báo cáo Sở.
Về Hợp đồng chuyển nhượng ô đất HH1 giữa Sudico và Phúc Hà, tại Văn bản số 239/BXD-QLN của Bộ Xây dựng ban hành ngày 17/10/2018 có nói: Nếu Công ty Sudico và Công ty Phúc Hà đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 01/7/2015 bảo đảm phù hợp theo đúng quy định của pháp luật thì không phải làm lại thủ tục theo quy định của Luật kinh doanh Bất động sản số 66/2014/QH13…
Về tình hình cấp sổ thực tế tại tòa T1, T2 và T3 của dự án: Đến nay, Công ty Phúc Hà đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khoảng 700/880 căn hộ thuộc tòa T1, T2 và tòa T3 hiện chưa cấp sổ hồng.
Lý giải việc hiện nay sổ hồng bị chậm cấp, đại diện Công ty Phúc Hà, ông Vũ Mạnh Hà – Phó Tổng giám đốc nhiều lần ký văn bản gửi đến các cơ quan chức năng và cư dân. Trong đó, gửi đến các cơ quan chức năng để báo cáo, xin ý kiến, phối hợp và đề nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp tục cấp sổ hồng cho cư dân. Đồng thời công ty cũng nhiều lần đối thoại, giải thích với cư dân rằng, hiện nay việc bị chậm cấp sổ có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan ở chỗ, một số tồn tại của công ty phát sinh trong quá trình phát triển nóng, thiếu kinh nghiệm, khi xây dựng tòa T1, T2 của dự án. Khách quan là, đây là dự án cấp II, dự án được chuyển nhượng và triển khai trong bối cảnh Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, có sự chuyển giao từ chính quyền cũ và mới, đồng thời Hà Nội mới thực hiện triển khai lại các quy hoạch phân khu nên có sự ảnh hưởng nhất định.
Ngoài ra, theo đại diện Công ty Phúc Hà, thời điểm 2019, UBND Thành phố Hà Nội có chủ trương rà soát lại các dự án đầu tư cấp I, cấp II. Do đó, ngày 07/6/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có Văn bản 5150/STNMT-VPĐKĐĐ. Theo đó, Sở này yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Dự án Thăng Long Victory. Mặt khác, Sở cũng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo yêu cầu trước đó của các cơ quan liên quan.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục các tồn tại cũ, hướng tới việc tiếp tục cấp sổ hồng cho cư dân toàn T1, T2 (khoảng 180 căn còn lại) và tòa T3 nhanh chóng nhất, chủ đầu tư đã chủ động báo cáo, phối hợp với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, tháo gỡ.
Mới đây, tại văn bản số 10493/VP-ĐT đề ngày 03/12/2020, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội có ý kiến chỉ đạo các Sở, ngành liên quan của Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý tồn tại tại dự án này, song song với đó là hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư xử lý, giải quyết những vướng mắc liên quan đến dự án…
Khu vui chơi trẻ em của dự án nhìn từ trên cao (Ảnh: Phúc Hà) |
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho phép cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà mà không chờ kết quả xử lý tồn tại của chủ đầu tư đối với các căn hộ xây dựng đúng quy hoạch hoặc đã xử lý vi phạm về xây dựng. Về việc này, Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở đó đề xuất, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Phúc Hà: Trước hết phải khẳng định, đến thời điểm này dự án cơ bản đã đầy đủ hồ sơ pháp lý cần thiết, điều đó được minh chứng bởi việc cơ quan chức năng đã cấp gần 700 cuốn sổ hồng cho gần 700 hộ tại tòa T1 và T2.
Việc chậm cấp sổ hồng cho người dân ngày nào thì trước hết, công ty chúng tôi thiệt hại ngày đó, vì không thu được 5% còn lại của hợp đồng, ước tính số tiền đó cũng chừng khoảng 50 tỷ, trong khi dự án đang gấp rút hoàn thiện tòa T4, nhiều khoản phải chi. Nói vậy để người dân hiểu rằng, Phúc Hà không mong muốn càng không cố tình chậm hoàn thiện các thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân và vấn đề pháp lý của dự án đã tương đối hoàn chỉnh, người dân không cần quá lo lắng. Qua đây, cũng mong muốn cư dân thấu hiểu và cảm thông với công ty chúng tôi để Phúc Hà nỗ lực hơn nữa đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Như vậy, mặc dù Dự án Thăng Long Victory có những “tồn tại” nhất định, song phải thẳng thắn nhìn nhận trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đáng nói là nguyên nhân chủ quan đã được chủ đầu tư tích cực giải quyết và đến nay đã cơ bản khắc phục, còn nguyên nhân khách quan do thay đổi về địa giới, thay đổi pháp lý qua các giai đoạn cũng đã được các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi cư dân.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận thì hầu hết các dự án bất động sản ở Việt Nam đều ít nhiều phát sinh vướng mắc trong quá trình thi công, xây dựng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó có thể thấy nhà đầu tư cũng không mong muốn, càng không cố tình vi phạm bởi nếu vi phạm thì chẳng khác nào lấy “dao cứa tay mình”. Do vậy, hơn lúc nào hết, cần phải có sự phối hợp, sẻ chia và thấu hiểu giữa 3 bên, chính quyền – doanh nghiệp – khách hàng để cùng hướng tới lợi ích chung.
Nguồn: Báo xây dựng