Hoài Ân (Bình Định): Xây dựng những công trình vì lòng dân
(Xây dựng) – Các xã vùng cao Đăk Mang, Bok Tới, Ân Sơn và Ân Nghĩa của huyện Hoài Ân có địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Thấu hiểu những nỗi vất vả của người dân, huyện Hoài Ân tập trung mọi nguồn lực xây dựng cầu tràn Hiệp Định mới tại xã Ân Nghĩa và mở rộng tuyến đường từ cầu Mục Kiến, xã Ân Hữu đi trung tâm xã Đăk Mang tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng để tạo động lực phát triển kinh tế các xã vùng cao.
Cầu Hiệp Định vượt lũ phải hoàn thành trước tháng 10/2023. |
Cầu vượt lũ thỏa lòng mong ước
Trong chuyến đi công tác tại huyện trung du miền núi Hoài Ân, chúng tôi ghé thăm nhà một số hộ dân ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, khi được biết UBND huyện Hoài Ân đang thi công cầu vượt lũ Hiệp Định mới, khiến bà con rất vui mừng khôn xiết. Vì đây là cây cầu được xây dựng bê tông cốt thép kiên cố thay cầu tràn Hiệp Định cũ mà bao đời nay người dân mong mỏi mới có được.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Trần Thị Anh (61 tuổi) ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa kể: “Cầu tràn cũ này được xây dựng từ năm 1998. Cứ đến mùa mưa lũ, toàn bộ người dân ở thôn bị chia cắt hoàn toàn. Tháng 9 hàng năm, người dân lo mua sắm lương thực để mưa to, lũ lớn nếu bị chia cắt không phải lo thiếu ăn, thiếu đói. Chỉ tội các cháu phải nghỉ học vài ngày vì chờ nước rút. Khổ lắm nhưng người dân trong thôn phải đành chịu. Hiện cầu Hiệp Định mới đang được xây dựng giúp người dân Phú Ninh có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, đặc biệt là “chạy lũ” an toàn cho người và gia súc, gia cầm. Niềm mong ước từ bao đời nay của chúng tôi nay đã thành hiện thực”.
Nghe vợ là bà Nguyễn Thị Mùa (78 tuổi) thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa kể chuyện xưa chạy lũ với 11 đứa con, ông Nguyễn Hữu Thành (88 tuổi) rưng rưng chia sẻ: “Tôi sống tuổi này rồi mới nghe xây dựng cầu mới mừng lắm. Cả cuộc đời tôi gắn bó với con đường đi qua cầu này nên thấu hiểu sự khó khăn, vất vã của người dân trong thôn. Bao năm qua, mỗi mùa mưa gió, tôi cứ lo nơm nớp con cháu đi lại nguy hiểm. Nhiều đứa trẻ lọt cầu rơi xuống sông rồi chớ đâu phải không có, nhưng may mắn thoát chết”.
Cầu Hiệp Định vượt lũ là “phao cứu sinh” cho hơn 1.000 người dân thôn Phú Ninh. |
Cầu Hiệp Định mới xây dựng với tổng chiều dài 118m, tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng, dự kiến tháng 10/2023 cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Võ Văn Đức – Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Hoài Ân cho biết: “Hiện nay, thực hiện xây dựng đường dẫn và cầu Hiệp Định mới chỉ có 10% khối lượng. Chúng tôi chỉ đạo các nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Tường Duy, Công ty TNHH xây dựng Tín Nghĩa đẩy nhanh tiến độ, buộc phải hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2023 để bà còn đi lại thuận lợi. Bởi, cầu Hiệp Định không chỉ là cây cầu vượt lũ, “phao cứu sinh” đối với hơn 1.000 người dân thôn Phú Ninh mỗi khi đến mùa mưa lũ, mà còn mở ra cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, kinh tế – xã hội cho các xã lân cận”.
Con đường vì lòng dân
Không chỉ có công trình cầu Hiệp Định mới mà từ năm 2022, huyện trung du miền núi Hoài Ân chú trọng đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường đi các xã miền núi như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Bù Nú đi T4, T5 dài 6,2km, với tổng mức đầu tư trên 29,7 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường Ân Hữu – Đăk Mang (đoạn Xuân Sơn và đoạn cầu Nước Lương đi thôn T6, xã Đăk Mang dài 4,4km, với tổng mức đầu tư trên 17,46 tỷ đồng).
Tuyến đường từ cầu Mục Kiến, xã Ân Đức đi trung tâm xã Đăk Mang đang thi công xây dựng. |
Ông Võ Văn Đức – Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Hoài Ân cho hay: UBND huyện Hoài Ân đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Mục Kiến, xã Ân Đức đi trung tâm xã Đăk Mang với tổng vốn 69,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh Bình Định hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và vốn ngân sách huyện.
Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng và đồi; tốc độ thiết kế 30km/h; nền đường rộng 6,5m; mặt đường rộng 5,5m; dài trên 9,6km và được chia thành 5 đoạn. Dự kiến tháng 6/2023, dự án hoàn thành tạo tuyến giao thông chính kết nối xã vùng cao Đăk Mang với trung tâm huyện Hoài Ân và đi qua xã Ân Hữu, xã Ân Đức. Đặc biệt, dự án đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân các xã Đăk Mang, Ân Hữu, Ân Đức đến trung tâm huyện được an toàn, thuận lợi, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Ông Đinh Hồng Nhé – Chủ tịch UBND xã Đăk Mang cho biết: Toàn xã có 430 hộ dân với hơn 5.000 gia cầm, gia súc và trồng rừng, cây ăn trái. UBND huyện Hoài Ân tập trung mọi nguồn lực xây dựng các tuyến đường kết nối xã tới trung tâm huyện thuận lợi cho việc định hướng người dân phát triển kinh tế dựa vào đặc thù của địa phương trồng cây ăn quả và chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Nâng cấp xây dựng những con đường dân sinh hướng về lòng dân. |
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân thông tin thêm: “Hoài Ân có được diện mạo đô thị mới như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng người dân đồng lòng hưởng ứng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của huyện”.
Huyện Hoài Ân tập trung đầu tư, hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, bằng cách chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị từ thị trấn Tăng Bạt Hổ đến các vùng miền núi theo hướng văn minh, sạch, đẹp. Đến nay, nhiều tuyến đường được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vùng cao, vùng đồng bằng. Kết cấu hạ tầng phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong toàn huyện.
Nguồn: Báo xây dựng