Hoa Lư: Đô thị di sản thiên niên kỷ – Khát vọng tiếp nối
(Xây dựng) – Vùng đất Hoa Lư được biết là một vùng đất cổ, nơi có con người sinh sống từ cách nay hơn 3 vạn năm (thời kỳ các tộc người Việt cổ – Bách Việt), với các di tích khảo cổ học tiền sử trong các mái đá, hang động vùng di sản Tràng An. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành của dân tộc Việt Nam con người nơi đây luôn khát khao khẳng định vươn lên.
Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy trước khi hình thành Kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn. Theo quan điểm của PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu: “Hoa Lư không đơn thuần là một Cố đô ngàn năm tuổi, là một di sản sống động, có tính liên tục, không ngừng phát triển tiếp nối trong lịch sử, đời sống định cư của con người. Nó chứa đựng cả một hệ sinh thái thiên niên kỷ bao gồm di sản tự nhiên thiên niên kỷ, di sản định cư thiên niên kỷ, các di tích khảo cổ, lịch sử, bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng rất có giá trị. Vùng đất này cũng là một địa điểm linh thiêng, mang tính biểu tượng khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc”.
Minh chứng là khi Hoa Lư đã được chọn là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam, khi Đinh Bộ Lĩnh thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế năm 968. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất, thông suốt, xác định lãnh thổ, tổ chức quân đội riêng, phát hành tiền tệ… đã khẳng định sự tồn tại của một dân tộc độc lập, sánh ngang với các quốc gia khác, và trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Như vậy có thể khẳng định sự tồn tại và tiếp nối của con người và vùng đất Hoa Lư đã gắn liền lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời Bách Việt đến ngày nay.
Tiếp nối truyền thống lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã luôn nâng cao tính đoàn kết, chủ động, sáng tạo và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đạt được nhiều kết quả phát triển nổi bật, toàn diện. Sau khi tỉnh Ninh Bình được tái lập vào năm 1992, từ một tỉnh nhỏ với nghề chính người dân Ninh Bình lúc ấy là nông nghiệp, công nghiệp thì nhỏ lẻ chủ yếu dựa vào khai thác đá vôi cộng với than qua lửa để sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch mang tính tự phát. Không bằng lòng với thực trạng của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình quyết tâm tìm hướng đi cho địa phương gắn những tiềm năng thế mạnh của mình. Ngay từ đầu những năm 2000, tỉnh đã thực hiện chuyển hướng chiến lược từ “Nâu” sang “Xanh”, chuyển từ công nghiệp sản xuất vật liệu sang phát triển du lịch, chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng. Đến nay, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, quy mô ngày càng mở rộng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, từ năm 2022 đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách Nhà nước và điều tiết nguồn thu về Trung ương; Thu nhập bình quân đầu người hết năm 2022 xếp thứ 12/63 (đạt 4,893 triệu đồng/tháng = 58,716/triệu đồng /năm). Du lịch Ninh Bình với những bước chuyển mạnh mẽ, dần trở thành một trong những trọng điểm du lịch của khu vực và cả nước.
Sau hơn 20 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế theo định hướng phát triển bền vững, cùng với những thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh bình càng nhận thức rõ hơn giá trị kinh tế của tiềm năng đặc biệt về thiên nhiên văn hóa và lịch sử của vùng đất Cố đô. Với xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay, phát triển bền vững đang trở thành xu thế bao trùm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Giá trị văn hóa, lịch sử cùng với công tác bảo tồn đã và đang là tài sản kinh tế rất quan trọng để các quốc gia, các khu vực lấy làm tiền đề phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản. Cùng với các chủ trương lớn của Trung ương như Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm phát triển đô thị phải bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển, phù hợp với từng vùng miền. Với đặc thù và tiềm năng về thiên nhiên – văn hóa – lịch sử của mình, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh bình đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Chiến lược này thể hiện quyết tâm lấy giá trị di sản, giá trị truyền thống, giá trị con người vùng đất Hoa Lư là cốt lõi, là động lực cho sự phát triển đô thị nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh nói chung.
Trước đây, người ta thường chỉ tiếp cận đô thị dưới góc độ vị trí, quy mô, diện tích, dân số, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối… cũng như vai trò của đô thị đó như thế nào đối với vùng, với quốc gia. Từ đó để đánh giá mức độ quan trọng của đô thị. Tuy nhiên, khi tiếp cận dưới góc độ di sản thì Ninh Bình lại có cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt trong bối cảnh bất định toàn cầu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tại buổi Tọa đàm khoa học “Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình” đã khẳng định: “Việc Ninh Bình lựa chọn phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ ở thời điểm hiện nay là đúng, trúng và phù hợp với thực tiễn cũng như các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, về quản lý và phát triển đô thị ở các địa phương có di sản Cố đô, sở hữu danh hiệu di sản thế giới của Tổ chức UNESCO”. Tại Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2030, trong đó có mục tiêu đến năm 2025: “Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là “Đô thị Di sản Thiên niên kỷ”, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên – sinh thái, văn hóa – lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh” và mục tiêu: “Hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030”. Qua đó thể hiện khát vọng tiếp nối truyền thống nghìn năm của con người và vùng đất Hoa Lư – Ninh Bình.
Nguồn: Báo xây dựng