Hoá chất BPA trong chai nhựa có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Hoá chất BPA trong chai nhựa có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Tại phiên họp khoa học năm 2024 của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã trình bày phát hiện của mình, cho thấy việc tiếp xúc với BPA có thể làm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu cung cấp bằng chứng trực tiếp cho thấy bisphenol A (BPA) – một hóa chất phổ biến trong việc đóng gói thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là trong chai nhựa – có thể làm giảm độ nhạy cảm với insulin, một loại hormone quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Theo bài viết từ Business Insider, nghiên cứu này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về sự an toàn của BPA và có thể thúc đẩy việc xem xét lại các quy định hiện hành về hóa chất này.
Kháng insulin và nguy cơ mắc tiểu đường
Kháng insulin, một trạng thái mà cơ thể không đáp ứng tốt với insulin, có thể dẫn đến mức đường huyết cao mãn tính và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tại phiên họp khoa học năm 2024 của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã trình bày phát hiện của mình, cho thấy rằng việc tiếp xúc với BPA có thể làm suy giảm khả năng đáp ứng với insulin.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Bách khoa California đã tiến hành thí nghiệm với 40 người trưởng thành khỏe mạnh, chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: một nhóm dùng giả dược và một nhóm sử dụng một liều nhỏ BPA hàng ngày. Sau 4 ngày, nhóm sử dụng BPA cho thấy phản ứng kém hơn đáng kể với insulin so với nhóm dùng giả dược, không có bất kỳ thay đổi nào.
Todd Hagobian, giáo sư tại Đại học Bách khoa California và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Những kết quả này gợi ý rằng có lẽ liều an toàn của EPA cần được xem xét lại và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề xuất những thay đổi này cho bệnh nhân.”
Cân nhắc lại giới hạn an toàn
Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem BPA là an toàn khi ở mức thấp, tối đa 5 mg mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày – gấp 1.000 lần so với liều lượng mà nghiên cứu mới cho thấy có nguy cơ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các hướng dẫn của FDA đã lỗi thời và cần được cập nhật dựa trên các phát hiện mới này.
Ngược lại, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm BPA trong các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm hoặc đồ uống vào cuối năm 2024, thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với hóa chất này.
Lo ngại về BPA chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh về việc tiếp xúc hàng ngày với các chất có thể gây hại cho sức khỏe. Nghiên cứu gần đây cũng đã phát hiện ra các hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào tế bào con người và có khả năng gây hại. Những hạt này đã được tìm thấy ở khắp nơi, từ phổi đến các cơ quan sinh sản.
Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi thấy rằng việc giảm tiếp xúc với BPA, chẳng hạn như sử dụng chai thủy tinh hoặc thép không gỉ và lon không chứa BPA, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu này đã đặt ra vấn đề về sự an toàn của BPA và khuyến khích việc tìm kiếm các giải pháp thay thế an toàn hơn cho việc đóng gói thực phẩm và đồ uống, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tú Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị