Hòa Bình thu hút 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng hàng nghìn tỷ đồng

Hòa Bình thu hút 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng hàng nghìn tỷ đồng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh này đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư du lịch nghỉ dưỡng. Bằng chứng, đang có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng triển khai tại địa phương.

Chia sẻ tại tọa đàm do Reatimes và VIRES tổ chức mang tên “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” diễn ra vào chiều 5/1/2022, ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình khẳng định, Hòa Bình nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội; đặc biệt có tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình và đường QL6 chạy qua địa bàn tỉnh tạo sự thuận lợi trong việc kết nối giữa tỉnh và các tỉnh thành trong khu vực.

Vị trí địa lý của Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, đưa Hòa Bình trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của vùng Tây Bắc hiện nay và trong tương lai. Hơn nữa, Hòa Bình còn có vai trò rất quan trọng đối với vùng Tây Bắc và cả nước trong việc kết nối với các địa phương khác về du lịch, văn hoá, cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương lân cận.

Ong Bui Xuan Truong 1

Ông Bùi Xuân Trường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Đặc biệt, ngoài việc có hơn 63% dân số là người dân tộc Mường với nét văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Hoà Bình còn có hơn 100 di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó 41 di tích cấp quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh và nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền. Trong đó phải kể đến như Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; quần thể hang động khu di tích Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa và động Nam Sơn huyện Tân Lạc…

Tỉnh này cũng có 4 Khu bảo tồn thiên nhiên là Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia – Pà Cò, vùng tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Ba Vì rất đa dạng về sinh học, hệ động thực vật phong phú,… có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… có tiềm năng phát triển những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh hấp dẫn.

Một loạt lợi thế du lịch khác cũng được Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình kể đến như hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước 8.000ha, dung tích 9,5 tỷ mét khối, Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu – khu du lịch cấp tỉnh, nổi tiếng trên toàn thế giới. Các khu nghỉ dưỡng như Serena Resort (Kim Bôi), Hideaway Resort, Mai Chau Ecolodge, Ban Khan village Resort, Avana Retreat (Mai Châu), Sân Golf Phượng Hoàng (Lương Sơn), sân golf Hill top valley… đều là những địa chỉ được du khách yêu thích.

Thống kê toàn tỉnh cũng cho thấy, hiện Hòa Bình có 434 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 6.000 buồng, hơn 300 tàu vận chuyển khách du lịch trên Hồ Hòa Bình. Giai đoạn 2016 – 2020 đã thu hút được trên 40 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 15.237 tỷ đồng.

Vì thế, theo ông Bùi Xuân Trường, đến thời điểm hiện tại tỉnh Hòa Bình có trên 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.000 tỷ đồng.

Tới năm 2025, tỉnh Hòa Bình dự kiến đón khoảng 4,9 triệu lượt khách; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt khu du lịch quốc gia; Đến năm 2030 dự báo Hòa Bình đón 7,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1795/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 4 nội dung đáng chú ý:

– Xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc để thu hút khách du lịch.

– Phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm như: Du lịch văn hóa; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh.

– Huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp các bến cảng du lịch, bến thuyền để đón tiếp khách du lịch.

– Tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.

Với những lợi thế đó, ông Bùi Xuân Trường thông tin, hiện Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng và là miền đất tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong và ngoài nước.

PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, trong suốt 20 năm vừa qua, chúng ta chỉ tập trung vào phát triển ở du lịch biển, trong khi tiềm năng phát triển du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều, vì vậy còn rất nhiều tiềm năng.

PGS TS Tran Kim Chung

PGS.TS. Trần Kim Chung

“Hoà Bình đang trỗi dậy trên thị trường bất động sản, do đó các lãnh đạo tỉnh cần chủ động, đưa ra các Nghị quyết phát triển kinh tế địa phương. Cuối cùng là đầu tư tích cực hạ tầng, đầu tư công, thu hút đầu tư theo hướng PPP. Tôi cho rằng, Hoà Bình cần xây dựng chương trình thu hút “đại bàng”, dòng tiền lớn đầu tư vào các dự án tại địa phương”, PGS.TS. Trần Kim Chung nhận định.

Bạn cũng có thể thích