Hòa Bình tập trung gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

(Xây dựng) – Thời điểm này, tỉnh Hòa Bình đang tích cực phát huy nội lực, đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 17 công trình, dự án trọng điểm năm 2023.

Hòa Bình tập trung gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Dự án mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình dự kiến sẽ khởi công quý I/2024.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, năm 2023, toàn tỉnh triển khai 17 dự án trọng điểm gồm 04 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 01 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), 06 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách và 06 dự án được bổ sung dự kiến khởi công trong năm 2023.

Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư với quy mô xây dựng tuyến đường dài 50,6km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.120 tỷ đồng. Dự án đã thi công tại 6 vị trí cầu. Đối với đoạn 02 của dự án, ngày 28/7/2023 UBND tỉnh đã đồng ý với nội dung đề xuất phương án tuyến của Ban quản lý. Quy mô đường cấp III đồng bằng đồng thời tính toán để có thể nâng cấp mở rộng thành cấp cao hơn đảm bảo tận dụng tối đa các công trình đã xây dựng. Ban quản lý đã đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ hướng tuyến tại Công văn số 1029/BQL-ĐHDA3 về việc hoàn thiện hồ sơ cập nhật quy hoạch đoạn tuyến từ Km0-19 ngày 07/8/2023 và đang phối hợp với Sở giao thông Vận tải cập nhật quy hoạch, đồng thời hoàn thiện các thủ tục để trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Để thực hiện đoạn 2 của dự án theo hướng tuyến quy hoạch đường cao tốc, đảm bảo mục tiêu đầu tư và hiệu quả, sớm hoàn thành dự án, UBND tỉnh đang tiếp tục làm việc với các Bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La) từ Km0 – Km19 thuộc dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu).

Dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn – Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) với quy mô xây dựng tuyến đường dài 8km. Tổng mức đầu tư 999 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2023 đã thi công giá trị khoảng 40,2 tỷ đồng, đạt 6,91%. Hiện nay đang thi công khối lượng còn lại của cầu số 5, tiến hành thi công mố, trụ cầu số 4 và thi công được 4 cọc khoan nhồi cầu số 2. Năm 2023 đã giải ngân 13,6/250 tỷ đồng (~5%). Dự án chưa xây dựng khu tái định cư, chưa có hướng dẫn cụ thể về các thủ tục liên quan đến di dời hạ tầng kỹ thuật. Vốn từ nguồn sử dụng đất 227,584 tỷ chưa được bố trí. Chi phí GPMB dự kiến cuối tháng 8/2023 sẽ cần khoảng 140 tỷ, do đó cần bố trí bổ sung nguồn vốn.

Dự án Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6 với quy mô xây dựng tuyến đường dài 4,4km. Tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Giá trị giải ngân năm 2023 được giao là 100 tỷ, trong đó có 15 tỷ tiền tiêu chí, 85 tỷ tiền đất. Hiện đã giải ngân được khoảng 38,2 /100 tỷ đồng (~38%).

Về thi công xây lắp: Hiện nay nhà thầu đã tập kết vật liệu, máy móc thi công xong cầu tạm, đường công vụ và đang thi công các hạng mục cầu suối Chăm. Các mũi thi công phần đường giao thông đang tạm dừng thi công do chưa có nguồn vật liệu đất đắp.

Công tác GPMB đang tiến hành các trình tự kiểm đếm, đo đạc bắt buộc với phạm vi thuộc phường Phương Lâm. Phường Dân Chủ còn khoảng 33 thửa đất bị vướng mắc do chưa xác nhận nguồn gốc đất, tài sản, cây cối… bị sai lệch chủ sử dụng đất; UBND phường Dân Chủ chưa xác nhận tài sản phục vụ sản xuất nông nghiệp để có cơ sở xem xét bồi thường, hỗ trợ; rà soát, báo cáo. Hiện UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các bước theo quy định đối với trường hợp các hộ dân cố tình không chấp hành để thực hiện thủ tục bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm.

Nhìn chung, hiện nay các dự án còn gặp khó khăn trong công tác GPMB; việc rà soát, hoàn thiện các thủ tục khai thác nguồn vật liệu đất đắp; các vị trí và thủ tục đổ thải của dự án; các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tỉnh Hòa Bình đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố và chủ đầu tư chủ động làm hết trách nhiệm, tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng tái định cư, tính toán xây dựng khu tái định cư cho các dự án khác; thực hiện chuyển đổi đất rừng, đất lúa, giải quyết khó khăn về vật liệu đất đắp cho công trình đảm bảo quy định; đặc biệt phải có chỉ đạo cụ thể cho từng dự án đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Đối với các dự án ngoài ngân sách Nhà nước, các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư sớm khởi công các dự án theo kế hoạch; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Mặt trận Tổ quốc các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận của người dân ủng hộ chủ trương đầu tư triển khai các dự án.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích