Hòa Bình: Tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ

Theo đó, Sở KH&CN đã tổ chức thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Đoàn đã thanh tra 30 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh; kiểm tra lĩnh vực đo lường đối với 90 sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ và kiểm tra nhanh chất lượng 123 mẫu vàng, vàng trang sức. Tiến hành lấy 4 mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ để thử nghiệm chất lượng so với công bố tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN). Kết quả, 3 mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ đạt yêu cầu về hàm lượng vàng so với công bố; 1 mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng vàng không đạt so với công bố.

Đoàn đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cơ sở vi phạm hơn 11 triệu đồng. Áp dụng hình thức phạt bổ sung: “Buộc thu hồi toàn bộ hàng hóa vi phạm về chất lượng để khắc phục, tái chế trước khi đem ra lưu thông trên thị trường”.

 Lực lượng chức năng đang tiến hành thanh kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ. Ảnh minh họa

Qua kết quả thanh tra, nhận thấy phần lớn các cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đã thực hiện tốt những quy định về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ như sử dụng phương tiện đo có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp quy định trong kinh doanh vàng; phương tiện đo được kiểm định theo quy định; cơ sở có thực hiện định kỳ tự kiểm tra, lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra định kỳ cân của cơ sở; các phép khối lượng vàng đều nằm trong giới giới hạn sai số cho phép và các cơ sở đã thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên vẫn còn một vài cơ sở vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa mà nguyên nhân là do các cơ sở chủ quan chưa ghi nhãn đính kèm hàng hóa trước khi trưng bày bán cho khách hàng.

Theo thông tư số 22/2013/TT-BKHCN “Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường”, loại hàng hóa này chỉ được phép lưu thông khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn áp dụng công bố gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối; yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng), mã ký hiệu…

Các tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và được đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm; phải niêm yết công khai tại nơi kinh doanh về tiêu chuẩn công bố áp dụng để khách hàng biết. Họ cũng phải lưu hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh, gồm: Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Bảo Linh 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích