Hòa Bình sẽ thành lập 6 đô thị mới

(Xây dựng) – Theo Quyết định 1648/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến 2030 tỉnh Hòa Bình sẽ thành lập 6 đô thị mới.

Hòa Bình sẽ thành lập 6 đô thị mới
Đô thị thành phố Hòa Bình tập trung phát triển chỉ tiêu hạ tầng đô thị loại II.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hòa Bình có 13 đô thị. Bao gồm 11 đô thị hiện hữu, trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Hòa Bình), 02 đô thị loại IV (thị xã Lương Sơn và thị trấn Mai Châu), 08 đô thị loại V (các thị trấn: Đà Bắc, Cao Phong, Vụ Bản, Mãn Đức, Chi Nê, Ba Hàng Đồi, Hàng Trạm, Bo). Thành lập 2 đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại V (thị trấn Phong Phú, huyện Tân Lạc và thị trấn Mường Vó, huyện Lạc Sơn). Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh Hòa Bình có 17 đô thị.

Đối với 13 đô thị phát triển đến năm 2025: Đô thị thành phố Hòa Bình tiếp tục củng cố phát triển chỉ tiêu hạ tầng đô thị loại II; thị xã Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại III; 04 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (thị trấn Bo, Mãn Đức, Chi Nê và Mai Châu); 07 đô thị loại V (thị trấn Đà Bắc, Cao Phong, Vụ Bản, Ba Hàng Đồi, Hàng Trạm, Phong Phú, Mường Vó), tiếp tục củng cố và hoàn thiện hạ tầng để nâng loại đô thị. Thành lập 04 đô thị mới đạt tiêu chí loại V (thị trấn Dũng Phong huyện Cao Phong, thị trấn Ân Nghĩa huyện Lạc Sơn, thị trấn Vạn Hoa huyện Mai Châu, đô thị Bãi Xe huyện Kim Bôi).

Đô thị Hòa Bình phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, gồm đô thị trung tâm hành chính – chính trị và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông bán vành đai kết hợp các trục dọc, trục ngang có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc và quốc gia. Phát triển không gian dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống. Phát triển mô hình “Hành lang xanh” trong cấu trúc không gian đô thị của tỉnh.

Về phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, quy hoạch các khu dân cư mới theo nhu cầu thực tế của từng địa phương. Hình thành điểm dân cư nông thôn phân bố dọc theo các trục giao thông và lân cận các đô thị – công nghiệp tập trung. Đối với các khu dân cư thuần nông, có định hướng chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá, áp dụng mô hình kinh tế trang trại. Bố trí các điểm dịch vụ thương mại hàng hoá tại các trung tâm xã, nhằm khuyến khích phát triển trao đổi sản phẩm nông nghiệp hàng hoá.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích