Hòa Bình: Hướng đến năm 2025 tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 30%

Theo Kế hoạch, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn đến 2025 của tỉnh Hòa Bình cần đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây: Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật; tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp để góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đóng góp tỷ lệ của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 40%; Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo;

 Ảnh minh họa.

Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đảm bảo mức chi từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không thấp hơn mức Trung ương giao và tăng dần qua các năm, đạt ít nhất 1,0 % tổng chi ngân sách tỉnh vào năm 2025. Đẩy mạnh việc huy động đa dạng các nguồn lực của xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ để đến năm 2025 nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gấp 02 (hai) lần so với mức đầu tư từ nguồn ngân sách; Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh (quy đổi toàn thời gian) đạt 06 người trên một vạn dân; Số doanh nghiệp khoa học và công nghệ tăng tối thiểu 0,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 30%.

Tập trung nghiên cứu khoa học; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lỗi thúc đẩy tiêu chuẩn, đo lường năng suất chất lượng và phát triển công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Chuyển đổi số các quy trình quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sẵn sàng tiến tới quản lý, tác nghiệp 100% trên môi trường mạng; Số lượng Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tăng dần qua các năm và đạt 300 Văn bằng vào năm 2025.

Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường thông tin, truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội; Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện các nội dung chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và doanh nghiệp về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát kinh tế – xã hội; Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ là các chủ thể nghiên cứu mạnh;

Tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đổi mới cơ chế tài chính, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ để giảm bớt thủ tục hành chính; Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chuyển đổi số và hiện đại hoá hoạt động quản lý nhà nước, doanh nghiệp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích