Hoà Bình hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa
Hoà Bình hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa
Song song với công tác tuyên truyền, Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, chống RTN, giảm thiểu phát sinh chất thải túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt; xử lý nghiêm các vi phạm về gây ô nhiễm môi trường
Nhằm chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa (RTN), tỉnh Hoà Bình xác định tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và nông thôn; chú trọng xây dựng các khu tái chế và xử lý rác với công nghệ tiên tiến.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chống RTN, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội triển khai nhiều hoạt động truyền thông đến người dân. Từ năm 2020 đến nay đã tổ chức hơn 180 hội nghị, lớp tập huấn, cuộc tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), chống RTN, tác hại của chất thải nhựa cho các cơ sở, doanh nghiệp, cán bộ phụ trách môi trường, hội viên các hội. Mở hơn 50 lớp với trên 1.500 lượt người tham gia về hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Tổ chức 4 cuộc giao lưu truyền thông sân khấu hoá về BVMT, chống RTN. Phối hợp tặng trên 3.000 chiếc làn và hàng nghìn chiếc túi siêu thị, hàng trăm kg túi nilon có khả năng phân huỷ sinh học cho người dân sử dụng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong BVMT, chống RTN.
Song song với công tác tuyên truyền, Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, chống RTN, giảm thiểu phát sinh chất thải túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt; xử lý nghiêm các vi phạm về gây ô nhiễm môi trường. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở TN&MT cho biết: Siết chặt công tác BVMT, đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, đảm bảo môi trường là yếu tố được quan tâm, chú trọng ngay từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Hạn chế hoặc không xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân huỷ sinh học, sản phẩm nhựa sử dụng một lần… đảm bảo thực hiện theo lộ trình của Luật BVMT năm 2020. Hàng năm, Sở TN&MT ban hành cácquyết định kiểm tra công tác chấp hành Luật BVMT, lồng ghép kiểm tra việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua công tác kiểm tra đã tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hạn chế dần việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tiến tới thay thế hoàn toàn đồ dùng thân thiện với môi trường, đồng thời phân loại rác thải tại nguồn để hạn chế việc xử lý rác thải.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa khó phân huỷ và túi nilon rất khó khăn vì sự tiện lợi, giá thành rẻ. Các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa đồng bộ, đặc biệt là chế tài xử phạt và chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải hiện nay chưa được thực hiện một cách triệt để.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm việc quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Nghiên cứu phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ – tái chế – tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động BVMT. Tăng tỷ lệ đầu tư cho BVMT từ nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh, nhấtlà cho việc tái chế, xử lý chất thải, trong đó có RTN.
Khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia BVMT. Nhân rộng mô hình hiệu quả, chú trọng xây dựng mô hình BVMT lồng ghép các mô hình kinh tế – xã hội. Phát triển dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và nông thôn; chú trọng xây dựng các khu tái chế và xử lý rác với công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh thu gom, xử lý rác thải, chất thải y tế và nhựa. Tổ chức bình chọn, công bố sản phẩm, cửa hàng, siêu thị thân thiện với môi trường. Xây dựng mô hình kinh tế chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong tái chế rác thải. Thực hiện quy định thay thế nhiên liệu, sản phẩm gây hại bằng các lựa chọn thân thiện với môi trường và tái sử dụng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị