Hòa Bình: Dự án sân golf Phúc Tiến được cấp giấy phép xây dựng
(Xây dựng) – Dự án sân golf Phúc Tiến nằm trên địa bàn xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình do Công ty Cổ phần Golf An Việt Hòa Bình làm chủ đầu tư. Ngày 28/2, dự án đã được Sở Xây dựng Hòa Bình cấp Giấy phép xây dựng số 05/GPXD.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: Internet). |
Theo Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 15/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, sân golf Phúc Tiến với quy mô đầu tư trên diện tích khu đất gần 200ha (trong đó: diện tích rừng tự nhiên 11.75ha được giữ nguyên hiện trạng để bảo vệ và phát triển rừng; phần còn lại để thực hiện dự án sân golf). Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.137 tỷ đồng.
Được biết, ngày 11/6/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc phê quyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 sân golf Phúc Tiến, tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình.
Ngày 25/2/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 323/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án sân golf Phúc Tiến tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Golf An Việt Hòa Bình đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và thủ tục đầu tư theo yêu cầu của các cơ quan chức năng và đang triển khai dự án theo tiến độ cam kết. Trong đó, Công ty đã nộp tiền để đầu tư trồng rừng thay thế, nộp lệ phí trước bạ và các phí/ lệ phí khác theo quy định pháp luật. Hiện nay, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình đang phối hợp với nhà đầu tư để thu tiền thuê đất, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
Dự án sau khi hoàn thành hứa hẹn sẽ đem đến một sản phẩm thể thao, du lịch cho tỉnh Hòa Bình cũng như đưa bộ môn golf phổ cập hơn đối với người Việt Nam.
Golf là môn thể thao hấp dẫn và phổ biến tại các nước phát triển tại châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc; Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…
Theo thống kê của trang https://www.golfmonthly.com thì hiện nay ở Mỹ có tới 16.752 sân golf/331 triệu dân, Nhật Bản có 3.169 sân golf/126 triệu dân, Hàn Quốc có 798 sân golf/51 triệu dân, Thái Lan có 315 sân golf/70 triệu dân. Trong khi đó, Việt Nam với 97 triệu dân mới chỉ có chưa đầy 80 sân golf.
Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển môn thể thao golf và hoạt động du lịch đi kèm. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng hết những lợi thế này, bộ môn golf hiện mới đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển với tỉ lệ sân golf trên đầu người thuộc hàng thấp trong khu vực và thế giới. Để phát triển du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí thì môn Golf cần được đầu tư phát triển nhanh, bài bản và phổ cập hóa hơn nữa như những gì Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm trong thập kỷ 80s – 90s. Chính vì vậy, rất cần sự định hướng phát triển của Nhà nước, sự chung tay góp sức của doanh nghiệp và toàn xã hội. Hy vọng rằng trong tương lai không xa môn thể thao Golf ở Việt Nam sẽ phát triển rộng rãi, khẳng định vị thế, tầm vóc và chỗ đứng trên toàn thế giới.
Nguồn: Báo xây dựng