Hòa Bình chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng để “đánh thức” tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình
(Xây dựng) – Là tỉnh miền núi có lợi thế về điều kiện khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là có hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, tỉnh Hòa Bình đã và đang tích cực đầu tư khai thác, đánh thức những tiềm năng du lịch sẵn có của hồ Hòa Bình.
Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình có tổng số 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch được cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. |
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình thành Khu du lịch Quốc gia, hoạt động du lịch tại Khu du lịch hồ Hòa Bình có nhiều khởi sắc và đạt được 3/5 tiêu chí quan trọng để từng bước đạt được các điều kiện của Khu du lịch quốc gia. Đặc biệt là việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường 435 và mở mới tuyến đường từ Ba Khan xuống vịnh Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc cũng như kết nối một số tuyến đường ven hồ huyện Đà Bắc vào vùng lõi của Khu du lịch đã tạo điều kiện huận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Sản phẩm du lịch tại Khu du lịch đã có những chuyển biến tích cực: Thay vì chỉ khai thác cảnh quan tự nhiên để phục vụ du khách tham quan trong ngày thì nay đã có các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 sao; một số điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, điểm du lịch cộng đồng, điểm vui chơi giải trí có chất lượng đã đi vào hoạt động để phục vụ du khách; các chương trình du lịch được nghiên cứu, xây dựng đa dạng, phong phú hơn, trong đó chú trọng kết nối với các điểm đến trên hồ Hòa Bình và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc và Bắc Bộ; phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú. Khu du lịch Hồ Hòa Bình đang tiếp tục thu hút một số tập đoàn có thương hiệu đến đầu tư những dự án du lịch có quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao để đưa vào khai thác phục vụ du khách trong thời gian tới.
Để đạt được kết quả này, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch. Điển hình như: Nâng cấp tuyến đường lên Cảng ba cấp, thành phố Hòa Bình với chiều dài 2,5km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; Hoàn thành dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh và Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc với tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn cân đối ngân sách tỉnh; Xây dựng đường giao thông trục chính của đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc chiều dài 2,25km với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng; đầu tư, hỗ trợ thực hiện cải tạo sân phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại Xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc; cải tạo tuyến đường lên Điểm du lịch cộng đồng xóm Ngòi và đường vào tham quan di tích quốc gia động Hoa Tiên tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng; Tiếp tục khảo sát mở tuyến đường dọc hai bên khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các điểm du lịch và thu hút đầu phát triển du lịch…
Theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 01/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, hiện nay trong khu du lịch hồ Hòa Bình có tổng số 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch được cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444ha với tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.304 tỷ đồng. Các dự án có mục tiêu đầu tư đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn văn các dân tộc, du lịch tâm linh, chợ ẩm thực, nhà hàng, bến thuyền, bãi tắm… phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 14-NQ/TU đề ra trong nhiệm vụ và giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch. Một số dự án đầu tư quy mô lớn như: Dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hòa Bình với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng; Dự án Khu nghỉ dưỡng và sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng với vốn đăng ký đầu tư 800 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty cổ phần đầu tư năng lượng xây dựng Hoàng Sơn với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 474 tỷ đồng…
Đến nay, Khu du lịch hồ Hòa Bình đã có 107 cơ sở lưu trú; Bao gồm 14 khách sạn từ 1 đến 3 sao, 32 nhà nghỉ, 61 nhà nghỉ cộng đồng với 1.383 buồng phòng; thu hút 1.200 lao động với 700 lao động trực tiếp và khoảng 500 lao động gián tiếp. Khu du lịch hồ Hòa Bình có khoảng 300 phương tiện vận chuyển khách; hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi, điểm du lịch, các tua tuyến được xây dựng và kết nối với các địa phương trong tỉnh, trong nước tạo nên một hệ sinh thái du lịch khá đa dạng, thu hút nhiều du khách. Xây dựng và hình thành các khu, điểm du lịch sinh thái như: Mai Chau Hideaway, Ba Khan Village Resort, đảo Dừa; các điểm du lịch cộng đồng xóm Ké, Đá Bia, Ngòi Hoa, Mó Hém, Bích Trụ… trong đó điểm du lịch cộng đồng Đá Bia được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN trao tại Diễn đàn du lịch Châu Á – ATF Hồng Kông, Trung quốc. Khu du lịch có 01 điểm du lịch cộng đồng đạt 4 sao (Đá Bia), 01 điểm du lịch cộng đồng đạt 3 sao (Xóm Ngòi) theo tiêu chuẩn OCOP. Xây dựng khu công viên nước tại xóm Ngòi, xã Suối Hoa với trên 130 trò chơi có các các loại xuồng, mô tô nước, thuyền cao tốc….; Xây dựng các Chương trình du lịch thăm hang động mới như khám phá thắng cảnh Quốc gia động Hoa Tiên tại huyện Tân Lạc; hang Hổ Vàng, hang Sông, hang Sưng huyện Đà Bắc; Xây dựng tuyến du lịch đường thủy di chuyển bằng tàu trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; Mở tuyến du lịch đi bộ, đạp xe dọc hai bờ sông Đà thuộc huyện Tân Lạc, Mai Châu và Đà Bắc trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình; Xây dựng chương trình nghỉ dưỡng cuối tuần trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình; Chương trình trải nghiệm trên hồ Hòa Bình cùng tham gia các hoạt động và sinh hoạt cùng với người dân, chương trình du lịch tâm linh thăm di tích Đền Thác Bờ; Chương trình du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh và tuyến Tây Bắc kết hợp đường thủy, đường bộ.
Trao đổi với Báo Xây dựng, đại diện Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: “Nhìn chung, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm; Có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch; Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch; có hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan; Cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ sở hạ tầng du lịch tại Hòa Bình còn tồn tại nhiều hạn chế như: còn thiếu các tuyến đường giao thông kết nối đến các điểm du lịch ven hồ; chất lượng các bến thuyền du lịch chưa cao, chất lượng tầu thuyền vận chuyển khách du lịch còn thấp; không gian phát triển của Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình chưa có sự gắn kết với các không gian khác như: Khu dân cư, cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, môi trường..; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường còn hạn chế: Chưa có đủ nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn; chưa có khu xử lý rác thải tập trung, còn thiếu hệ thống cung cấp nước sạch, biển báo; Một số dự án đầu tư về du lịch triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ theo cam kết…
Nguyên nhân là do Khu du lịch hồ Hòa Bình có diện tích trên 52 nghìn ha trải dài trên địa bàn nhiều huyện và thành phố; các điểm du lịch nằm trên các đảo và bán đảo, đồi núi có độ dốc cao; mực nước hồ Hòa Bình không ổn định và lên xuống theo mùa; mùa mưa lũ các tuyến đường đi thường bị sạt lở… Kinh phí cho việc lập quy hoạch phân khu và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như công tác tuyên truyền quảng bá khu du lịch còn hạn chế nên chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Một số phương tiện tàu, thuyền chủ yếu đóng theo phương thức cũ, để đạt được tiêu chuẩn đăng kiểm phương tiện theo quy định phải tiến hành sửa chữa, cải tạo chi phí rất lớn; chưa có nhà đầu tư vận chuyển khách du lịch lớn đầu tư phương tiện thủy chở khách trên hồ Hòa Bình. Khó khăn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng với các hộ dân; một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính nên triển khai dự án chậm, không đúng tiến độ hoặc chưa triển khai. Dự án đầu tư du lịch quy mô lớn chưa nhiều, chất lượng chưa cao nên chưa tạo ra được sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao để kéo dài thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của du khách”.
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của hồ Hòa Bình, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lập và triển khai các quy hoạch phân khu chức năng trên Khu du lịch hồ Hòa Bình để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thu hút đầu tư phát triển du lịch; huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành đầu tư xây dựng quản lý khu du lịch theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tiếp tục ưu tiên và lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và các bến cảng, bến thuyền kết nối các điểm du lịch; thu hút các nguồn vốn hỗ trợ chính thức nước ngoài (ODA), nguồn vốn tổ chức phi Chính phủ (NGO) và các nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; Đẩy mạnh công tác thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên với các dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao, đảm bảo đến 2025 có đủ số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao theo quy định để đủ điều kiện quy định về Khu du lịch quốc gia; Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển du lịch; tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư du lịch; hỗ trợ công tác giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án; xử lý nghiêm các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai đã được cấp phép theo quy định của pháp luật; xử lý, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại đối với cơ sở du lịch và cơ sở thờ tự để đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng