Hòa Bình: Buông lỏng quản lý, cấp đất trồng rừng cho doanh nghiệp chồng lấn đất ở của người dân!
Dự án trồng rừng nguyên liệu tại 10 xã thuộc huyện Cao Phong do Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình (Công ty) thực hiện, các cơ quan cấp dưới đã tham mưu sai cho UBND tỉnh Hòa Bình cấp đất trùng vào đất ở, đất trồng cây lâu năm, hàng năm khác… của nhiều hộ dân.
Cấp chồng vào đất ở của người dân
Dự án trồng rừng nguyên liệu tại 10 xã thuộc huyện Cao Phong được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 cho Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà làm việc, vườn ươm, hệ thống cấp thoát nước, đường lâm sinh, hệ thống đường nội bộ, công trình hạ tầng khác, mua sắm và lắp đặt thiết bị; trồng rừng, khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng, xây dựng đường ranh cản lửa… trên diện tích 28.573.305,4m2 đất (2.857,33ha), trong đó UBND tỉnh Hòa Bình đã thu hồi và trả ra cho các hộ dân 489.802,8m2 (48,98ha).
Khu vực triển khai dự án của Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: ST |
Theo Kết luận Thanh tra số 05 ngày 14/02/2022 về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 10 dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cho biết: Qua kiểm tra dự án trồng rừng nguyên liệu tại 10 xã thuộc huyện Cao Phong, Công ty đã triển khai thực hiện trồng rừng trên một phần diện tích đất dự án Công ty đang quản lý thuộc các xã: Yên Lập, Yên Thượng, Xuân Phong, Đông Phong, Bình Thanh, huyện Cao Phong (diện tích khoảng 882,8ha trong đó có một phần diện tích trồng rừng tại xã Bắc Phong)…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại khi triển khai dự án. Cụ thể, dự án trồng rừng nguyên liệu chưa được cấp GCNQSDĐ và ký hợp đồng thuê đất tại xã Bắc Phong, do có tranh chấp với Công ty Cổ phần Thủy điện Văn Hồng xây dựng thủy điện Suối Tráng với diện tích đất được giao 570,44ha.
Dự án chậm triển khai tại các xã: Nam Phong, Dũng Phong, Thung Nai và Thu Phong là do một phần UBND tỉnh Hòa Bình cấp trùng vào đất ở, đất cây lâu năm, hàng năm khác, đất đã được cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ (qua rà soát chưa đầy đủ với tổng diện tích thuộc 09 xã khoảng 346,2ha).
Ngoài ra, cấp chồng lấn vào đất của Công ty Cổ phần – Công ty Lâm Nghiệp Hòa Bình khoảng 255ha và cấp vào đất ở, đất trồng cây hàng năm khác của 08 hộ gia đình tại xóm Đúng Thá, xóm Nau, xã Thu Phong với diện tích khoảng 3,5ha.
Một số hộ dân được UBND huyện Cao Phong cấp đất theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 26/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ chồng lấn vào đất Công ty đã được thuê, mặt khác số diện tích đất cấp cho Công ty còn chồng lấn với đất đã cấp cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 chưa được đền bù giải phóng mặt bằng, do đó không thể triển khai thực hiện được các nội dung đầu tư trên đất đã được thuê – Kết luận nêu rõ.
Yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan
Từ những tồn tại, hạn chế được phát hiện qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Hòa Bình kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện Cao Phong tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình còn chồng lấn vào đất ở, đất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ CP để trả lại cho các hộ dân.
Rà soát, xác định lại diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Công ty nhưng UBND các huyện Cao Phong cấp chồng cho các hộ dân theo Quyết định số 672/QĐ-TTg.
Đặc biệt, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu đến mức xem xét kỷ luật, thì xem xét xử lý theo thẩm quyền) đối với các khuyết điểm, thiếu sót, tồn tại trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp đất cho Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình nhưng chồng lấn vào đất ở, đất rừng phòng hộ, đất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ, đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.
Được biết, ngày 17/2/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 272 về việc thu hồi đất do Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình, nêu rõ: Thu hồi 406.663,2m² (hơn 40ha) đất rừng sản xuất tại xóm Mừng, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong đã cho Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình thuê nhưng không sử dụng và chồng lấn để giao cho UBND huyện Cao Phong quản lý.
Lý do thu hồi đất là vì Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình không còn nhu cầu sử dụng đất, đồng ý trả lại đất.
Cũng theo Kết luận Thanh tra, dự án trồng rừng nguyên liệu tại các xã: Trung Thành, Mường Chiềng, Tân Minh, huyện Đà Bắc do Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình làm chủ đầu tư. Công ty chậm triển khai dự án theo nội dung đầu tư tại 02 xã Trung Thành, Mường Chiềng và một số xóm tại xã Tân Minh, nguyên nhân là do một phần diện tích dự án đã giao cho công ty chồng lấn vào đất rừng của dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ. Mặt khác, qua thời gian dài nhiều lần rà soát, hoàn thiện các thủ tục về đất cây rừng đã tái sinh, cộng thêm một phần các hộ dân địa phương được UBND huyện cấp đất theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 28/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ chồng lấn vào đất công ty đã được giao với diện tích khoảng 24ha hiện đã thành rừng tự nhiên tái sinh và rừng trồng, do đó công ty không triển khai thực hiện được theo các nội dung đầu tư trên đất đã giao. |
Nguồn: Báo xây dựng