Hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện trên lộ trình chuyển đổi số

Hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện trên lộ trình chuyển đổi số
Ảnh minh họa

Chuyển đổi số còn xa lạ với doanh nghiệp Việt

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là tỉ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%. Tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

Để đạt được những mục tiêu này, việc phát triển quy mô của các ngành chế biến chế tạo là chưa đủ, mà cần tăng cường nội lực của chính các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp qua đó gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm chế biến chế tạo. Các doanh nghiệp cần được xác định là chủ thể trọng tâm trên lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và phát triển sản xuất thông minh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra do Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tiến hành năm 2018 về mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của doanh nghiệp ngành Công Thương cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam còn rất nhiều khó khăn trong công cuộc chuyển đổi số, như: mức độ sẵn sàng chưa đồng đều; kỹ năng chuyển đổi số còn kém; trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp, chưa có quy trình, công nghệ, thiết bị mà chỉ tập trung vào sản lượng sản xuất; lạc hậu về công nghệ, máy móc; chất lượng lao động chưa cao; ngân sách đầu tư hạn chế.

Rõ ràng, dù có quyết tâm thay đổi, sẵn sàng đầu tư chuyển đổi số thì những thách thức và khó khăn, thậm chí cả những băn khoăn và thắc mắc, đặt ra cho doanh nghiệp vẫn còn là quá nhiều.

Do vậy, một trong những vấn đề trọng tâm trong hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương những năm qua là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng và đổi mới công nghệ theo xu hướng của CMCN 4.0. Nhiều hoạt động đã được Bộ Công Thương triển khai hiệu quả trong công tác tuyên tuyền; lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, dự án; đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển.

Đáng chú ý, năm 2019-2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Siemens và Hội đồng Kinh tế Singapore (EDB) hỗ trợ 14 doanh nghiệp sản xuất Việt Nam thực hiện đánh giá theo bộ chỉ số bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất thông minh (Smart Industry Readiness Index – SIRI).

Toàn bộ quá trình đánh giá và tư vấn được thực hiện theo phương thức thảo luận mở giữa cấp lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của chuyên gia. Các báo cáo đánh giá và khuyến nghị từ một bộ chỉ số khởi động như SIRI không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tìm đúng vị trí của mình và xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số trước mắt mà còn tiếp tục đóng vai trò là công cụ theo dõi thành quả chuyển đổi số của doanh nghiệp một cách tổng thể trong những giai đoạn tiếp theo.

5 trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng Đề án hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030.

Theo ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Đề án được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phân tích chi tiết các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến hoạt động của chuyển đổi số trong doanh nghiệp ngành Công Thương, tiếp cận toàn diện với các nội dung mang tính chiến lược để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành Công Thương chuyển đổi số, thay vì chỉ đặt trọng tâm vào đầu tư cho công nghệ. Mục tiêu của Đề án hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, lựa chọn và tiến hành hiệu quả các phương án, giải pháp chuyển đổi số phù hợp với hiện trạng và điều kiện của mình.

Các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án sẽ hướng tới 5 nhóm mục tiêu cụ thể gồm:

Thiết lập môi trường kiến tạo: Tạo ra môi trường chính sách và pháp lý mang tính hỗ trợ cao cho doanh nghiệp ngành Công Thương chuyển đổi số.

Tạo nhận thức sâu sắc: Nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số của toàn ngành song song với việc hình thành cơ chế hỗ trợ bền vững cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Hình thành năng lực sáng tạo: Hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương phát triển năng lực triển khai chuyển đổi số bao gồm nguồn nhân lực, năng lực công nghệ và sáng tạo, nguồn tài nguyên dữ liệu và hạ tầng số cho chuyển đổi số.

Dẫn dắt chuyên nghiệp: Hỗ trợ trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo phương thức hiệu quả và bền vững, bao gồm nhân lực chuyển đổi số chuyên nghiệp cho doanh nghiệp, các dự án mẫu để đặt nền móng hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nền tảng số, cơ chế và tài nguyên hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Phát triển tầm nhìn bền vững: Hình thành yếu tố chuyển đổi số bền vững cho doanh nghiệp ngành Công Thương như theo dõi tiến độ, đánh giá tác động của hoạt động chuyển đổi số đến doanh nghiệp để điều chỉnh phù hợp, hướng đến nền kinh số…

Các nội dung của Đề án được đánh giá là những giải pháp có tính chiến lược trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030. Việc phê duyệt và triển khai của Đề án được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng trong nỗ lực thực hiện chuyển đổi số của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt nhất cơ hội từ CMCN 4.0, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích