Hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa trong bối cảnh Covid-19
(Xây dựng) – Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận chuyển hàng hóa xếp dỡ tại một số cảng biển Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành Hải quan đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan kịp thời đưa ra các chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa.
Sau hơn 1 tuần ùn ứ, đến ngày 10/8, hoạt động tại cảng Cát Lái đã trở lại bình thường. |
Giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái
Ngày 2/8, có khoảng 106.717 TEU (1 TEU = 1 container 20 feet, bình quân trọng lượng khoảng 15 tấn) đang tồn tại cảng Cát Lái (TP.HCM), chiếm 86% dung lượng bãi. Trong tổng lượng hàng tồn này, hàng nhập khẩu tồn là chủ yếu với khoảng 50.872 TEU, chiếm 95% dung lượng thiết kế. Tình hình tại khu vực hàng xuất khá hơn, chỉ khoảng 30.000 TEU, chiếm 76% dung lượng thiết kế, còn lại là rỗng.
Theo tính toán khi đó, trong 2 tuần tiếp theo, tổng tồn bãi tăng khoảng 5% lên mức 115.000 TEU, chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế. Trong đó, sản lượng nhập tồn bãi sẽ tăng khoảng 5% lên mức 53.500 TEU, lúc đó có thể chiếm 100% dung lượng thiết kế hàng nhập, dẫn đến nguy cơ cảng bị gián đoạn hoạt động.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh là do tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp không hoạt động sản xuất được và đã tạm dừng hoạt động do không thể thực hiện được “3 tại chỗ” theo quy định của UBND một số tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… Điều này dẫn đến tình trạng các container hàng nguyên liệu được doanh nghiệp nhập về cảng nhưng không được làm thủ tục nhận hàng, khiến lượng hàng tồn tại cảng biển tăng cao.
Ngay sau khi phát sinh vấn đề ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 3847/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đồng ý cho hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái được vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các cảng cạn/ICD tại các tỉnh, thành phố khác để lưu giữ gồm: Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần; hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Bên cạnh đó, hàng hóa tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 203/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính được vận chuyển từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Song song với việc có hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời để giải quyết tình trạng ùn tắc, Tổng Cục Hải quan cũng nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội nói chung để đảm bảo cơ sở pháp lý khi thực hiện.
Thông tin tại buổi Hội thảo trực tuyến đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng tổ chức vào chiều 10/8, ông Bùi Văn Quỳ – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, sau hơn một tuần đơn vị này phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các nhóm giải pháp kết hợp với sự điều chỉnh lịch tàu, lượng hàng của hãng tàu, khách hàng, thời điểm hiện tại, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái đã giảm chỉ còn 85%. Nhịp điệu sản xuất, khai thác cảng đã trở lại trạng thái bình thường.
Đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt
Cùng với việc nhanh chóng gỡ vướng tại cảng Cát Lái, thời gian qua, ngành Hải quan cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt.
Tổng Cục Hải quan đã thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. |
Theo đó, Tổng Cục Hải quan đã thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (đặc biệt là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như: Vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm…) ở các cấp. Đồng thời, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan của các công chức đảm bảo thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hoá đúng thời gian theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan.
Cụ thể, để đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa kịp thời phục vụ công tác điều trị, khám chữa bệnh cho người dân, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất quán triệt đến từng cán bộ công chức tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, tân dược, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm… để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đối với việc thông quan hàng hóa tân dược phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh nói chung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cùng với việc đảm bảo chất lượng của hàng hóa, Tổng Cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp và tạo điều kiện thông quan nhanh như chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan. Cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt (như: Thuốc, vắc xin, sinh phẩm… yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C) về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan căn cứ kết quả phân luồng kiểm tra và chỉ dẫn kiểm tra trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để kiểm tra đối với các lô hàng nhập khẩu có tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 1/8/2021. Trong đó, đối với tờ khai hải quan luồng Vàng, cơ quan Hải quan kiểm tra, đối chiếu nội dung khai hải quan với bộ hồ sơ hải quan theo quy định, nếu phù hợp thì thực hiện thông quan ngay; nếu không phù hợp hoặc nghi ngờ về tính xác thực của các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan thì chuyển luồng Đỏ để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Nguồn: Báo xây dựng