Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thêm nguồn lực để phục hồi
Đảm bảo đúng mục đích, đối tượng
Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 28/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV đã yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ vào kế hoạch và dự toán NSNN hỗ trợ DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và căn cứ khả năng bố trí của NSNN, hằng năm, Bộ Tài chính bố trí và phân bố dự toán ngân sách chi thường xuyên thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật NSNN, Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định này. Bộ Tài chính cũng phải chủ trì hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN vốn chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV theo quy định; kinh phí quản lí các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định 80.
Các doanh nghiệp CNHT cần hành lang pháp lý phát triển nhanh. Ảnh Trọng Triết
Trên cơ sở đó, ngày 08/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2023/TT-BTC hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Thông tư 52) với hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2023. Thông tư này hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên hỗ trợ cho DNNVV về công nghệ, tư vấn, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; phát triển nguồn nhân lực…
Nguồn kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV là nguồn NSNN chi thường xuyên, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách. Bên cạnh đó còn có nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài NSNN. Chính vì thế, Thông tư 52 đã quy định chi tiết về nguyên tắc quản lí và sử dụng kinh phí…
Theo đó, Thông tư quy định cụ thể nội dung chi hỗ trợ các DNNVV về công nghệ; tư vấn; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… Cùng với đó là những hỗ trợ để tổ chức các khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp; khởi sự kinh doanh; đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo trực tuyến qua công cụ dạy học trực tuyến có sẵn…
Thông tư cũng quy định nội dung chi và mức chi cho việc quản lí, vận hành, duy trì hoạt động của mạng lưới tư vấn viên và bồi dưỡng, đào tạo phát triển mạng lưới tư vấn viên; nâng cấp, duy trì, quản lí, vận hành Cổng thông tin và thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu hỗ trợ DNNVV.
Thông tư 52 yêu cầu quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán NSNN hỗ trợ DNNVV theo quy định, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ và nguyên tắc thực hiện hỗ trợ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, hướng dẫn tại thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc hỗ trợ căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kì của NSNN hằng năm.
Thêm nguồn lực để phục hồi
Từ năm 2018, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành nên từ đó, nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành. Tuy vậy, mức độ thực thi của các chính sách cho đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhiều DNNVV thậm chí còn không biết chính sách hỗ trợ mà mình có thể được hưởng thụ.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn. Các DNNVV rất cần nguồn lực để phục hồi, thay đổi phương thức bán hàng, công nghệ quản lí hay đầu tư cho cơ sợ hạ tầng…
Việc ban hành Thông tư 52 được cộng đồng doanh nghiệp kì vọng sẽ thống nhất và toàn diện hơn về các vấn đề trong hỗ trợ DNNVV từ nguồn kinh phí NSNN. Bởi Thông tư 52 có hiệu lực sẽ thay thế Thông tư 49/2019/TT-BTC và Thông tư 54/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lí, sử dụng kinh phí NSNN hỗ trợ DNNVV phát triển nguồn nhân lực, sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên… được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2019.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kì vọng các cơ quan, đơn vị quản lí, sử dụng kinh phí phải đảm bảo tính hợp lí, hợp lệ, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí; cũng như phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, minh bạch, đầy đủ pháp lí của hồ sơ, chứng từ liên quan… Đặc biệt, việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, đúng mục tiêu, phải có những hoạt động tuyên truyền, công khai thông tin để các DNNVV được biết đến và được tư vấn đề nhận sự hỗ trợ.
Công nhân chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh Trọng Triết
Theo báo cáo “Thực trạng nhân sự một số lĩnh vực năm 2023” vừa được Navigos Group công bố, việc phục hồi kinh doanh các doanh nghiệp vẫn chưa diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới do doanh nghiệp đang phải đối mặt nhiều áp lực. Kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp đại diện cho các ngành trong lĩnh vực sản xuất của Navigos Group cho thấy, phần lớn doanh nghiệp dự đoán cần từ 12 tháng trở lên để thị trường có thể phục hồi trở lại, chỉ có 8% doanh nghiệp cho rằng kinh tế sẽ phục hồi sau 3 tháng.
Vì thế, các cơ quan quản lí phải thúc đẩy công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các DNNVV thúc đẩy khởi nghiệp để gia tăng chất lượng và số lượng của cộng đồng doanh nghiệp. Đại diện cộng đồng DNNVV còn kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV và hướng tới đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ với trọng tâm chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025. Các cơ quan quản lí cũng cần đưa ra những giải pháp, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: hoanhap.vn