Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng mô hình ‘ươm tạo ảo’

Theo thông tin từ Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp KHCN (thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN), các ngành được chú trọng và ưu tiên ươm tạo gồm có công nghệ thông tin – truyền thông, nông nghiệp, giáo dục, du lịch… Với đặc thù của mình, hầu hết doanh nghiệp tham gia ươm tạo tại các đơn vị, tổ chức đều tập trung tại các tỉnh/thành phố lớn. Điều này là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương, đặc biệt là tại các làng nghề truyền thống, nơi có rất nhiều doanh nghiệp trẻ, hộ gia đình tiềm năng nhưng lại khó tiếp cận thông tin mới. Do đó, mô hình “ươm tạo ảo” dành cho đối tượng này sẽ là giải pháp tối ưu giúp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại các làng nghề truyền thống.

Nghiên cứu chi tiết và đầy đủ nhất về lĩnh vực ươm tạo ảo được thực hiện bởi InfoDev (Information for Development Program) – một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các nước đang phát triển của Ngân hàng thế giới. Theo định nghĩa của InfoDev, khái niệm “ảo” thông thường được hiểu là các hoạt động được thực hiện thông qua công cụ điện tử hoặc trực tuyến, tuy nhiên khái niệm “ảo” ở đây được hiểu là các hoạt động được thực hiện không phụ thuộc vào một địa điểm cụ thể và không giới hạn bởi các công cụ trực tuyến (online). Từ đó các tổ chức ươm tạo ảo được định nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình phát triển của một doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó các dịch vụ, công cụ không phụ thuộc vào địa điểm của nhà cung cấp cũng như khách hàng.

Theo InfoDev, có 3 loại tổ chức ươm tạo ảo bao gồm: 1) Hanholders: tập trung cung cấp các dịch vụ liên quan đến đào tạo, cố vấn nhằm hỗ trợ, cải thiện kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp; 2) Network boosters: có mục tiêu chính là xây dựng mạng lưới, giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà cung cấp dịch vụ gặp gỡ, trao đổi tiếp xúc để mang lại giá trị cho các bên; 3) Seed capital providers: cung cấp các nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp kết hợp với việc hỗ trợ và cố vấn.

Thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho thấy, ở trong nước có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, trong đó phần lớn tập trung tại miền Bắc với khoảng 1.500 làng nghề. Các làng nghề truyền thống này đều đang sản xuất những sản phẩm hết sức đặc thù của văn hóa Việt Nam (đồ gỗ, nón lá, tơ lụa, đồ thờ cúng, sơn mài, mây tre đan…) có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu còn rất hạn chế vì các sản phẩm còn nghèo nàn về mẫu mã và đặc biệt là chưa đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng của những thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Nguyên nhân là do các làng nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở làng nghề chưa mạnh dạn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm mới nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống phù hợp với thị hiếu của xã hội. Nếu các làng nghề không vận động, không đổi mới sáng tạo và có những giải pháp thích nghi để thích ứng với sự tác động của các thành tựu KH&CN mới như Internet of Things, Cloud Computing, Big Data… thì khả năng tiếp cận khách hàng, thỏa mãn nhu cầu hội nhập là rất thấp. Song đặc thù của làng nghề lại là các giá trị truyền thống nên nếu đổi mới mà không có sự bảo tồn thì bản sắc sẽ bị mai một. Như vậy có thể thấy, nhu cầu đổi mới sáng tạo cho các làng nghề và dân cư trong làng nghề là cần thiết và cấp bách. Đây là vấn đề đặt ra cho cả nhà quản lý, nhà bảo tồn và doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.

Ảnh minh hoạ

Ươm tạo ảo là một khái niệm còn tương đối mới ở nước ta và rất ít đơn vị ươm tạo hiện nay có dịch vụ ươm tạo ảo. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các làng nghề truyền thống dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi ý tưởng sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro, thất bại để đến đích thành công, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (NTBIC) đã xây dựng mô hình ươm tạo ảo cho các doanh nghiệp tại các làng nghề truyền thống. Ngoài phần được đào tạo trực tuyến, NTBIC cũng sẵn sàng hỗ trợ cá nhân, đơn vị về tất cả vấn đề như luật, thị trường, công nghệ, marketing, công nghệ thông tin cũng như các hoạt động nhằm kết nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia. Mô hình này thỏa mãn yêu cầu là nơi cung cấp các tài nguyên và nội dung hữu ích bởi các chuyên gia (mentor) cũng như kết nối nhà đầu tư trực tuyến cho những người có nhu cầu khởi nghiệp. Mô hình này không hoàn toàn thay thế mô hình ươm tạo thực tế truyền thống mà kết hợp để nâng cao hiệu quả, đặc biệt trong việc bổ sung kiến thức, kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới.

Cổng thông tin ươm tạo sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vụ chủ yếu bao gồm: 1) Cho phép các nhà khởi nghiệp tạo, lưu trữ và sử dụng lâu dài thông tin liên quan đến nhu cầu khởi nghiệp; 2) Cung cấp các khóa học và tài liệu liên quan đến khởi nghiệp. Các khóa học sẽ bao gồm các bài giảng và học liệu liên quan đến ươm tạo. Thông qua hệ thống các bài học, người học sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết cho việc khởi nghiệp của mình; 3) Hỗ trợ kết nối giữa nhà khởi nghiệp và các chuyên gia từ NTBIC. Với mô hình này, NTBIC đã xây dựng 2 website bao gồm: vietnamvillage.vn (hoặc langnghevn.com) và vuonuom.ntbic.com. Mỗi trang này có thông tin và chức năng riêng nhưng đều nhằm mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các làng nghề truyền thống.

Trang vietnamvillage.vn bao gồm thông tin về các làng nghề truyền thống, các sự kiện liên quan đến làng nghề, thông tin về các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các làng nghề đó, sản phẩm đặc trưng của làng nghề, các nghệ nhân đã được công nhận và tin tức chung. Điểm đặc biệt của trang này là bản đồ định vị từng làng nghề và mô hình sản phẩm được xử lý theo định dạng 3D, giúp người xem nhìn rõ sản phẩm.

Nếu như vietnamvillage.vn được xem là trang tổng quan về làng nghề thì vuonuom.ntbic.com lại hướng đến các dịch vụ ươm tạo ảo bao gồm cung cấp kiến thức về khởi nghiệp, dịch vụ ươm tạo của NTBIC, các bài giảng online… giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Có thể khẳng định, mô hình ươm tạo ảo hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại các làng nghề truyền thống của NTBIC là mô hình đầu tiên trong cả nước phục vụ ươm tạo ảo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với giải pháp công nghệ mới phù hợp cho các nhóm sản xuất kinh doanh tại làng nghề. Mô hình này giúp tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các làng nghề truyền thống; giúp phát triển thị trường, nâng cao khả năng xuất khẩu cho sản phẩm truyền thống tại các làng nghề. Bên cạnh đó, mô hình này còn là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất kinh doanh tại các làng nghề với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan khác, như các tổ chức nghiên cứu công nghệ, phát triển thị trường…, giúp hoàn thiện mô hình ươm tạo doanh nghiệp ở khu vực làng nghề truyền thống. Hy vọng rằng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng và triển khai rộng rãi trên cả nước, giúp cho các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích