Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, từ 2010 – 2020, tổng số đơn đăng ký sáng chế của chủ đơn Việt Nam còn hạn chế so với các chủ đơn nước ngoài đăng ký tại Việt Nam: năm 2010, chủ đơn Việt Nam có 306 đơn (chiếm 9,34% chủ đơn nước ngoài), năm 2015 có 583 đơn (chiến 13,1% chủ đơn nước ngoài), năm 2020 có 1020 đơn (chiếm 15,3% chủ đơn nước ngoài). Xét theo chủ thể nộp đơn, số lượng đơn đăng ký sáng chế từ các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng gia tăng. Năm 2010 là 100 đơn, năm 2015 là 105 đơn và năm 2020 là 400 đơn. Măc dù số lượng đơn đăng ký có tăng mạnh, nhưng số bằng độc quyền sáng chế đã cấp từ năm 2010 đến 2020 của chủ đơn Việt Nam còn hạn chế so với chủ đơn nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.

Hình 1.Số lượng bằng độc quyền sáng chế đã cấp từ năm 2010 đến 2020
Số lượng bằng độc quyền sáng chế đã cấp từ năm 2010 đến 2020.

Ngược lại với số lượng đơn đăng ký sáng chế, cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam, cao hơn số lượng đơn đăng ký của chủ đơn nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Điều này cho thấy, chất lượng đơn đăng ký của các chủ thể nước ngoài tại Việt Nam thường hướng tới bằng độc quyền sáng chế và trình độ sáng tạo cao hơn. Mặc dù, đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam có xu hướng tăng, tuy nhiên, nhìn chung tổng số lượng bằng độc quyền giải pháp hữu ích đã cấp từ năm 2010 đến 2020 của chủ đơn Việt Nam cũng chưa nhiều, cụ thể năm 2010 có 35 bằng được cấp, năm 2015 có 86 bằng, năm 2020 có 201 bằng (giai đoạn 2010 – 2020 là 1.328 bằng).

Trong những năm gần đây, mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm tới đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, tuy nhiên, các hoạt động khai thác, ứng dụng vào thực tiễn chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Việc khai thác sáng chế, đổi mới sáng tạo, chưa mang lại động lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng tri thức và công nghệ.

Để khắc phục những hạn chế này, Đảng và Nhà nước đã có một số ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn tới 2030, như sau:

– Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, trong đó có sáng chế theo chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ): xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ và cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ, bản đồ sáng chế, hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ được bảo hộ và có tính ứng dụng cao; hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ; xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ nói chung, khai thác sáng chế nói riêng. Đồng thời, tăng cường khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam được bảo hộ, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.

– Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ dựa trên khai thác sáng chế, tài sản trí tuệ; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, …) để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. (Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030).

– Hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp từ quỹ đổi mới công nghệ quốc gia khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động giải mã công nghệ, làm chủ bí quyết công nghệ có xuất xứ từ các sáng chế; tiếp nhận, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm từ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trên cơ sở các công nghệ nguồn và được tích hợp thành các tổ hợp công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia; đổi mới, hoàn thiện và sáng tạo công nghệ đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, vượt trội để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Như vậy, khai thác sáng chế sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình tăng năng suất, chất lượng, nâng cao phẩm cấp sản phẩm thông qua đổi mới sáng tạo. Đây là các hoạt động được Nhà nước quan tâm, chú trọng và ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

 

  (Có sự đóng góp của TS.Nguyễn Hữu Xuyên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích