Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp phát sinh trong hợp đồng điện tử
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, với mục tiêu đến năm 2025 trên 80% doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ sử dụng HĐĐT theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 411/QĐ-TTg), việc xây dựng các cơ chế bảo vệ và giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng điện tử là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn trong môi trường số.
Hợp đồng điện tử là nền tảng cơ bản cho các giao dịch trong môi trường số, đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối doanh nghiệp với đối tác, khách hàng và nhà cung cấp trên khắp thế giới. Báo cáo từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại chuỗi sự kiện Symposium 2024 diễn ra tại Hà Nội trong hai 26 và 27/6/2024 vừa qua nhấn mạnh, kinh tế số được triển khai từ nền tảng là các giao dịch thực hiện trên không gian số – Giao dịch điện tử (các Hợp đồng điện tử) kinh tế số được xây dựng từ các giao dịch trên không gian số, trong đó HĐĐT là công cụ chính. Để thúc đẩy việc sử dụng HĐĐT, các yếu tố về khung pháp lý như Luật Giao dịch điện tử, Định danh điện tử, Chữ ký điện tử, chứng thực giao dịch điện tử đang được triển khai mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng HĐĐT rộng rãi.
Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp phát sinh trong hợp đồng điện tử.
Luật Giao dịch điện tử 2023, đặc biệt tại Điều 11 đã quy định thông điệp dữ liệu trong HĐĐT có giá trị pháp lý và có thể được dùng làm chứng cứ trong các vụ tranh chấp. Giá trị của thông điệp dữ liệu được xác định dựa trên độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận, hoặc lưu trữ thông điệp, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp cũng như khả năng xác định người khởi tạo và các yếu tố liên quan khác. Điều này tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp trong các giao dịch điện tử.
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc áp dụng HĐĐT tại Việt Nam, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) đã đưa vào vận hành Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam từ năm 2022. Trục này đóng vai trò cầu nối giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực điện tử, chữ ký số, dấu thời gian, định danh chéo. Điều này giúp tạo nền tảng chứng thực hợp đồng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn và xác minh danh tính của các bên tham gia ký kết.
Một hợp đồng điện tử an toàn là hợp đồng đã được chứng thực qua Trục phát triển hợp đồng điện tử. HĐĐT này cần đáp ứng nhiều tiêu chí an toàn, bao gồm: có tích xanh nhận diện, có chữ ký số của Tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) và Trục, xác minh danh tính của các bên tham gia ký kết, lưu trữ quy trình ký kết theo cơ chế Audit trail. Những yếu tố này giúp đảm bảo hợp đồng không chỉ có giá trị pháp lý mà còn có khả năng giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc sử dụng HĐĐT, trọng tài điện tử cũng được xem là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và công bằng. Trọng tài điện tử cho phép xử lý tranh chấp phát sinh từ HĐĐT một cách linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và chi phí cho các bên liên quan, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh số.
Việc đảm bảo an toàn cho HĐĐT thông qua các giải pháp pháp lý và kỹ thuật là yếu tố then chốt để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. HĐĐT an toàn không chỉ giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong các giao dịch điện tử mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế số tại Việt Nam.
Với mục tiêu đến năm 2025 trên 80% doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo vệ và giải quyết tranh chấp liên quan đến HĐĐT sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Phương Nam