Hỗ trợ công nhân thuê nhà: Vẫn chuyện “có tiền không thể tiêu”
Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được Thủ tướng ký ban hành từ tháng 3, song đến nay vẫn còn hàng loạt địa phương chậm trễ thực hiện.
Mục đích của quyết định 08 là giảm khó khăn cho người lao động về chỗ ở, đồng thời góp phần “thu hút”, “giữ chân” nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Đặt trong bối cảnh hậu đại dịch có thể thấy đây là một chính sách nhân văn và cần triển khai kịp thời, đúng diện được hỗ trợ.
Theo dự kiến, gói hỗ trợ này lên tới 6.600 tỷ đồng với khoảng 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách. Tuy nhiên, đến nay bên cạnh số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân tương đối thì còn rất nhiều tỉnh, thành triển khai chậm trễ; thậm chí tính đến đầu tháng 8 này vẫn còn 12 địa phương chưa giải ngân đồng nào. Trong khi đó, chỉ ít ngày nữa là hạn cuối doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động lên UBND cấp huyện (15/8).
Một khu nhà trọ cho các gia đình công nhân ở Tiền Giang (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Lãnh đạo Chính phủ và ngành LĐ-TB&XH rất quan tâm đến việc triển khai chính sách nêu trên và đã nhiều lần đôn đốc các địa phương. Hôm 27/7, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng Quyết định số 08 và Quyết định số 791 (về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động), không được để chậm trễ.
Phát biểu tại hội nghị giao ban tháng 8 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội chiều 4/8, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ trăn trở khi các địa phương triển khai chậm. “Hết 7 tháng nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn rất thấp, có tiền nhưng không thể tiêu. Tôi đề nghị các địa phương, đến hết tháng 8 tỉ lệ giải ngân phải được cải thiện rõ rệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Tào Bằng Huy – Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên nhân chính của việc đến thời điểm hiện nay số hồ sơ được phê duyệt chưa nhiều là do người lao động, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị muộn. Do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên đến tháng 7/2022, hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời. Đến nay Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động “nhưng khi thực hiện, một số địa phương lại máy móc”…
Như vậy, bên cạnh nguyên nhân từ người lao động cũng như người sử dụng lao động thì ở đây sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương là rất quan trọng. Trong hơn 2 năm đại dịch, các tỉnh, thành đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai hàng loạt gói hỗ trợ của Trung ương cũng như địa phương, do vậy nếu lãnh đạo “xắn tay áo” cùng với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động triển khai thì tiến độ thực hiện quyết định 08 sẽ được đảm bảo. Ngược lại, nếu lãnh đạo địa phương thờ ơ “khoán trắng” cho cấp dưới, các cơ quan chức năng liên quan khoán cho doanh nghiệp, khoán cho người lao động, thậm chí để cấp cơ sở buộc bổ sung thêm giấy tờ không có trong quy định như đòi hỏi hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng… mà không kiểm tra, chấn chỉnh thì tất yếu dẫn đến tình trạng chậm trễ.
Thời gian qua, các cấp có thẩm quyền và chuyên gia kinh tế đã đề cập, phân tích tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, “có tiền nhưng không tiêu được”, và một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở nhiều nơi còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm; vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy. Thiết nghĩ đây cũng là nguyên nhân phần nào dẫn đến việc chậm triển khai quyết định 08 như đã nêu ở trên. Vì vậy, người viết bài này cho rằng các địa phương cần nhanh chóng rà soát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn, đưa ra các giải pháp kịp thời và công khai thông tin để người dân giám sát.
Các địa phương và đơn vị liên quan cần thấy rằng, việc chậm triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động là làm chậm trễ một chính sách nhân văn, đúng đắn của Chính phủ. Về phía người lao động cũng đang phải trải qua thời gian khó khăn khi vừa trở lại làm việc sau đại dịch, đồng thời đối mặt với tình trạng tăng giá của nhiều mặt hàng, áp lực lạm phát khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày nặng gánh hơn. Đã có không ít trường hợp người lao động nghèo phải cậy nhờ đến tín dụng đen, vay nóng và hệ lụy xảy ra sau đó rất khó lường.
Xưa nay, quan niệm truyền thống của người Việt vẫn là “an cư lạc nghiệp”, nếu chưa lo được nơi ăn chốn ở thì thật khó tạo tâm lý ổn định trong công việc, khó giữ chân người lao động gắn bó lâu dài. Nói là đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhưng các doanh nghiệp và địa phương cần ý thức rằng, việc thu hút và giữ chân lao động cũng chính là vì quyền lợi của doanh nghiệp và địa phương.
Thật khó chấp nhận trong khi người dân trông ngóng, lãnh đạo các cấp “sốt ruột” trong khi phía dưới “bình chân như vại”. Trong điều kiện thuộc khả năng giải quyết mà để xảy ra tình trạng chây ỳ thì chính là đang làm trái với yêu cầu của Chính phủ, đi ngược với tinh thần hành động và các nỗ lực phục hồi kinh tế.
Thử hỏi, địa phương nếu không quan tâm bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong vấn đề hỗ trợ nhà ở, không vì người lao động, không thu hút và giữ chân được họ thì những nỗ lực thu hút nguồn vốn FDI, kêu gọi đầu tư, phát triển khu công nghiệp còn có ý nghĩa gì?
Nguồn: Báo xây dựng