Hít phải khói gây ngạt là nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các vụ cháy
Hít phải khói gây ngạt là nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các vụ cháy
Theo các chuyên gia Viện y học ứng dụng thì hít phải khói gây ngạt là nguyên nhân gây tử vong chính, nếu so với tử vong do cháy hay do bỏng.
Ngạt khói là nguyên nhân chính gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn
Nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân chính gây tử vong trong các trường hợp hỏa hoạn là do bỏng, do cháy, nhưng thật sự không phải như vậy. Các nghiên cứu và những số liệu thực tế đã chỉ ra rằng khói từ các đám cháy mới chính là nguyên nhân gây tử vong.
Các số liệu thống kê chỉ ra rằng khói từ các đám cháy cực kỳ độc hại, với hình ảnh đặc trưng đầy các hạt bồ hóng và có thể giết chết một người ngay cả trước khi ngọn lửa bén vào và thiêu trụi.
Trong các vụ cháy lớn có thiệt hại về người nặng nề, các báo cáo chỉ ra thương vong đa số là do nghẹt thở, vì các nạn nhân đã chạy trốn đến các khu vực không thể thoát ra được như nhà vệ sinh, lầu cao và tự nhốt mình trong đó với hy vọng giữ an toàn khỏi đám cháy.
Quá trình đốt cháy các vật dụng xung quanh trong một môi trường hẹp, không gian kín sẽ dẫn đến cạn kiệt lượng nhanh chóng lượng oxy tồn tại, đồng thời giải phóng một lượng lớn các loại khí rất nguy hiểm khác như carbon monoxide, carbon dioxide, hydro xyanua và hydro clorua – và đây chính là các loại khí độc mà nạn nhân sẽ hít phải. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại khí độc gây tổn thương phổi, sau đó dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp, tổn thương tế bào và suy nội tạng. Bên cạnh đó, 80% các trường hợp tử vong liên quan đến hỏa hoạn là do ngộ độc carbon monoxide – một loại khí đặc biệt nguy hiểm khi ái lực mạnh hơn oxi rất nhiều lần, dẫn đến việc các phân tử khí thay thế hoàn toàn oxi trong phổi và khiến nạn nhân tử vong vì không có oxi. Carbon monoxide là loại khí xuất hiện trong quá trình cháy không hoàn toàn, và là thủ phạm của các vụ tai nạn thương tâm liên quan đến sưởi bằng bếp than tổ ong trong phòng kín.
Những loại khí độc này ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Dưới đây là 4 loại khí độc cơ bản của một đám cháy có thể xuất hiện và cơ chế ảnh hưởng của chúng:
1. Carbon monoxide (CO): Loại khí chết người này được giải phóng trong quá trình đốt cháy không hoàn toàn do thiếu oxi, dẫn đến việc chỉ có 1 nguyên tử O kết hợp với 1 nguyên tử C. Việc hít phải khí CO có thể gây thiếu oxy trong mô một cách cực kỳ nhanh chóng và có thể tử vong vì phân tử CO sẽ kết hợp với haemoglobin thay vì phân tử Oxi do ái lực của chúng mạnh hơn oxi gấp 200 lần. Điều này cũng dẫn đến việc cấp cứu đặc biệt khó khăn, khi hỗ trợ thở cho nạn nhân cần phải tách phân tử CO khỏi haemoglobin để thay thế bằng oxi cho các mô cơ quan.
2. Carbon dioxide (CO2): Một sản phẩm khác của quá trình đốt cháy là carbon dioxide. Carbon dioxide có thể làm tăng khả năng vận động của hệ hô hấp và kéo theo tình trạng khó thở. Trong y học, tình trạng tích tụ quá nhiều CO2 trong cơ thể có thể gây tình trạng toan hô hấp (mất cân bằng acid-base), gây suy hô hấp cấp tính, bất thường về mạch, lú lẫn, co giật và hôn mê.
3. Hydro xyanua (HCN): acid hydrocyanic – HCN là một loại acid yếu, với điểm sôi thấp và dễ bay hơi khi có tác động của nhiệt độ. Đây là một loại acid rất độc, và dạng khí của chúng cũng vậy. Loại khí này được giải phóng khi các sản phẩm gia dụng như nệm, vải lụa, thảm, vải len hoặc đồ nội thất bị đốt cháy. Giống như carbon monoxide, hydro xyanua có thể gây tử vong do tác động trực tiếp đến các mô và cơ quan.
4. Hydro clorua (HCl): là một chất khí không màu, độc hại, tính ăn mòn cao và tạo khói trắng khi tiếp xúc với hơi ẩm. Đây là sản phẩm phụ của việc đốt các sản phẩm gốc polyvinyl (một hợp chất phổ biến được sử dụng trong bọc da và đồ nội thất). Việc hít phải hydro clorua có thể gây ho, nghẹt thở và các tình trạng viêm của hệ thống đường hô hấp trên thông qua việc phá hủy niêm mạc đường thở. Trong các trường hợp nghiêm trọng, loại khí này có thể gây phù phổi, tê liệt hệ tuần hoàn, bỏng da, mù mắt và tử vong.
Các triệu chứng của việc hít phải khói độc như thế nào?
Các triệu chứng hít phải khói độc sẽ khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng, và thời gian hít phải khói độc đó. Vấn đề được đặt ra hàng đầu là cần có sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu nồng độ carboxyhaemoglobin (hợp chất được hình thành khi carbon monoxide và haemoglobin tương tác trong máu CO-Hem) vượt quá 15%. Các dấu hiệu sẽ theo các mức như:
- Khi mức độ CO-Hem từ 15% đến 20%, nạn nhân có thể bị đau đầu và lú lẫn.
- Ở mức độ 20%-40%, tình trạng mất phương hướng, mệt mỏi, buồn nôn và các vấn đề về thị lực có thể xuất hiện.
- Ảo giác, co giật và hôn mê xuất hiện ở các nạn nhân có nồng độ carboxyhaemoglobin đạt 40-60%.
- Nếu nồng độ đạt trên 60%, khả năng tử vong gần như chắc chắn.
Ai là người có nguy cơ cao?
Thực tế việc hít phải khói độc có thể gây tử vong cho bất kỳ ai, bất kể tuổi tác hay tình trạng sức khỏe ra sao. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng sẽ có nguy cơ cao hơn so với mặt bằng chung, bao gồm những người có các vấn đề về tim mạch, những người mắc bệnh phổi, đau ngực và hen suyễn. Ngoài ra, người cao tuổi cũng có nguy cơ cao hơn do sức khỏe nhìn chung yếu hơn, bên cạnh việc và phổi cũng mỏng manh hơn. Ngoài ra, nhóm trẻ em cũng là nhóm đối tượng nguy cơ cao khi trẻ em có xu hướng hít nhiều không khí hơn trên mỗi kilogam trọng lượng cơ thể so với người lớn.
Tổn thương do nhiệt
Thông thường, tổn thương do nhiệt là tình trạng hiếm khi xảy ra, trừ các trường hợp cháy trực tiếp trên cơ thể. Các vụ cháy lớn ở các khu vực kín thường khó bén lửa đến cơ thể khi nạn nhân đa phần tìm cách tránh xa ngọn lửa rất nhanh, nhưng lại không biết cách tránh khỏi sự bao trùm của làn khói. Nhìn chung, các tổn thương do nhiệt gây tình trạng bỏng, song có thể hồi phục được nếu cấp cứu kịp thời. Bỏng không phải là một tình trạng quá nguy hiểm nếu so với ngạt khí trong các vụ hỏa hoạn.
Tổng kết
Ngạt khí là một tình trạng đặc biệt nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong chính trong các đám cháy. Tình trạng ngạt khí dẫn đến suy hô hấp nhanh, tử vong nhanh trước khi nạn nhân có thể bị ảnh hưởng của ngọn lửa gây cháy. Do vậy, trang bị những kiến thức về phòng chống ngạt, cấp cứu nạn nhân và phòng chống cháy nổ chính là những cách an toàn, hiệu quả nhất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị