Hình ảnh thành lũy hơn 200 năm ở Đà Nẵng trước cuộc ‘đại trùng tu’
Chính quyền Đà Nẵng quyết định chi 84 tỷ đồng tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2.
Di tích tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Theo quyết định, trong giai đoạn 2 (thực hiện từ 2022 – 2024), sẽ thực hiện các hạng mục bên trong khuôn viên 26.519 m2 của Thành Điện Hải gồm: Di dời Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu sang cơ sở 42 Bạch Đằng; phục dựng kỳ đài, nhà để súng thần công, cổng thành phía đông; tôn tạo tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương; xây dựng cầu cổng phía tây, miếu thờ nghĩa sĩ, nhà trưng bày và các hạng mục khác.
Hạng mục nhà trưng bày cũng được xây ngầm toàn bộ dưới lòng đất. Công trình có quy mô tổng diện tích hơn 450 m2, chìm phía dưới không cản trở tầm nhìn bao quát chung toàn bộ tổng thể khu di tích. Theo đó, nhà trưng bày gồm 1 phòng trưng bày chính, 1 phòng trải nghiệm thực tế ảo 3D và các hạng mục phục vụ công việc điều hành, âm thanh, ánh sáng…
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 thực hiện các hạng mục trong phạm vi khuôn viên có tổng diện tích 26.519 m2
Cổng thành phía Đông sẽ được phục dựng lại. Trong khi đó Bảo tàng Đà Nẵng dời về địa chỉ 42 Bạch Đằng
Trong giai đoạn 2, ngành chức năng sẽ sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu thần công gồm: 14 khẩu hiện có tại Bảo tàng Đà Nẵng và 2 khẩu sẽ thu hồi ở Thư viện Khoa học tổng hợp.
Trực thăng UH-1 – hiện vật từ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 tại căn cứ Sân bay Đà Nẵng sẽ được di dời khỏi khuôn viên Thành Điện Hải
Cây cảnh cũng được di dời đến địa điểm khác khi tu bổ
Hệ thống tường thành cổ tiếp tục được tu bổ, làm sạch, bảo quản toàn bộ bề mặt trong và ngoài tường
Trước đó, ở giai đoạn 1 (2017 – 2019) Đà Nẵng đã chi hơn 110 tỷ đồng để di dời 80 hộ dân và 3 cơ quan Nhà nước ra khỏi di tích; khôi phục toàn bộ hệ thống tường cao hào sâu, làm công viên cây xanh phía bắc và phía tây Thành Điện Hải…
Thành Điện Hải xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng, theo lối kiến trúc Vauban, có dạng hình vuông với bốn góc lồi hình cong.
Cổng chính của thành nằm ở phía Đông nhìn ra sông Hàn và cổng phụ nằm phía Nam. Đặc biệt, thành có các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và có thể chứa được 30 ụ đại bác cỡ lớn.
Đây là thành lũy đầu tiên của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn diễn ra cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha (năm 1858). Tháng 12/2017, di tích Thành Điện Hải được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt
Nguồn: Báo xây dựng