Hiểu rõ quy định nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn dầu thực vật để lựa chọn sản phẩm an toàn
Liên quan đến dàu thực vật kém chất lượng, vi phạm về quy định ghi nhãn hàng hóa, mới đây, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang và Công an phường Long Thạnh đã kiểm tra và xử phạt Công ty TNHH MTV Q.B.M. Nguyên nhân được cho là, các lô sản phẩm dầu thực vật do công ty này sản xuất không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa (không ghi ngày sản xuất). Ngoài ra, công ty này ghi hạn sử dụng và kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.
Công ty TNHH MTV Q.B.M sản xuất theo công bố chất lượng của bên thuê gia công. Số lượng hàng hóa thành phẩm tại thời điểm kiểm tra là 3,36 nghìn lít (120 can, mỗi can 28 lít), có nhãn hàng hóa đúng theo quy định, trị giá hàng hóa 92,4 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cũng thống nhất lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu chất lượng.
Liên quan về nhãn mác hàng hóa, ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.
Dầu thực vật kém chất lượng có thể gây ra nhiều tiềm ẩn cho sức khỏe
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.”
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn chất lượng, dầu thực vật khi xuất ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn về Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7597:2018 về Dầu thực vật do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Theo tiêu chuẩn về dầu thực vật được áp dụng với các sản phẩm bao gồm:
Dầu thực vật dùng làm thực phẩm (edible vegetable oils): dầu có thành phần chủ yếu gồm các glyxerit của axit béo có nguồn gốc thực vật. Chúng có thể chứa một lượng nhỏ các chất béo khác như phosphatit, các chất không xà phòng hóa và axit béo tự do có tự nhiên trong dầu hoặc mỡ.
Dầu nguyên chất (virgin oils): dầu thu được bằng các quá trình cơ học, không làm thay đổi bản chất của dầu, ví dụ: bằng cách ép hoặc nén và chỉ sử dụng nhiệt, được tinh sạch bằng cách rửa với nước, lắng, lọc và ly tâm.
Dầu ép nguội (cold pressed oils): dầu thu được chỉ bằng các quá trình cơ học mà không làm thay đổi bản chất của dầu, ví dụ: bằng cách ép hoặc nén, không sử dụng nhiệt và được tính sạch bằng cách rửa với nước, lắng, lọc và ly tâm.
Trong đó, các thành phần chính có trong dầu phải đạt đúng chỉ tiêu chất lượng:
Dầu hạt cải – axit erucic thấp: chứa axit erucic không lớn hơn 2 % (tính theo % axit béo tổng số).
Dầu hạt rum – axit oleic cao: chứa axit oleic không nhỏ hơn 70 % (tính theo % axit béo tổng số).
Dầu hướng dương – axit oleic cao: chứa axit oleic không nhỏ hơn 75 % (tính theo % axit béo tổng số).
Đối với loại dầu thực vật thông thường, hạn sử dụng ghi trên bao bì thường là 18 tháng, thậm chí lâu hơn. Nhưng trên thực tế, hạn sử dụng này chỉ dành cho dầu ăn chưa mở nắp, dầu ăn sau khi mở nắp đã tiếp xúc với không khí, bụi bặm, tạo ra các gốc tự do peroxide, rất dễ hỏng. Nhất là với những loại dầu kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, quá trình dầu biến đổi chất xảy ra nhanh hơn. Việc sử dụng dầu ăn hư hỏng có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, thậm chí đẩy nhanh quá trình lão hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm một cách kĩ lưỡng, chú ý đến nguồn gốc, nhãn hàng hóa được ghi trên sản phẩm và mua tại các cửa hàng, siêu thị uy tín.
Bảo Linh (t/h)