Hiệu quả từ mô hình “biến rác thành tiền”

Hiệu quả từ mô hình “biến rác thành tiền”

Theo dõi MTĐT trên

Hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với rác thải nhựa”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã triển khai hiệu quả mô hình “biến rác thành tiền”.

Phong trào này không chỉ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo thêm quỹ để hỗ trợ, động viên chị em phụ nữ, trẻ em nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ về mô hình ý nghĩa này, Chị Phạm Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện đã xây dựng và thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác thải tái chế để gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn huyện. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc thu gom, phân loại rác thải tái chế đã góp phần giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, đồng thời, giảm chi phí vận chuyển, chi phí xử lý… biến rác thải thành các sản phẩm hữu ích để tái sử dụng hoặc bán gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em nghèo.

a3-1-.jpg
Rác thải nhựa được chị em tái chế làm bồn hoa.

Với số tiền thu được từ mô hình “biến rác thải thành tiền”, các chi hội chủ động thăm hỏi động viên những chị em là người DTTS có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vươn lên vượt khó. Thực hiện mô hình tại 2 xã Mường Nhé, Mường Toong, Hội LHPN huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 9 hội viên, phụ nữ nghèo và học sinh nghèo vượt khó nhân dịp Tết Nguyên đán, tổng số tiền 2.300.000 đồng. Ngoài các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tiền quỹ thu được từ các mô hình được sử dụng để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại Chi hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho chị em.

Chị Hà cho biết thêm: Mô hình không chỉ có ý nghĩa BVMT mà còn có ý nghĩa nhân văn khi giúp đỡ chị em, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Những công việc cụ thể, lợi ích cụ thể có tác động tuyên truyền, hướng dẫn rất hiệu quả đến chị em phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ là người DTTS và gia đình thay đổi nhận thức, biết phân biệt và có trách nhiệm thực hiện phân loại và xử lý rác tại nguồn.

a1-3-.jpg
Chị em phụ nữ Mường Nhé thu gom rác thải nhựa bán lấy tiền gây quỹ giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Tại các gia đình ở thôn bản, thay vì đổ rác tràn lan nơi công cộng, giờ đây mọi người đã có thói quen phân loại rác, tập kết rác tại những nơi đã quy định. Sau khi phân loại, rác thải tái chế, các loại rác như: vỏ, hộp, bìa các tông, vỏ lon bia, chai, hộp nhựa sẽ được giữ lại. Ban Thường vụ Hội LHPN xã sẽ có trách nhiệm cùng với các Chi hội tiến hành thu gom và bán cho các đại lý thu mua rác thải tái chế. Số tiền thu gom được sẽ bổ sung vào quỹ của các Chi hội để hoạt động, giúp đỡ phụ nữ nghèo là người DTTS, những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa huyện Mường Nhé.

Cùng với các hoạt động thu gom rác thải nhựa, các Chi hội, Tổ, Hội thường xuyên vệ sinh đường bản, ngõ xóm nơi mình sinh sống, tham gia tổng vệ sinh môi trường theo lịch hằng tháng, nhân dịp các ngày truyền thống của Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt Hội, kết hợp vừa làm vừa tuyên truyền BVMT tới chị em phụ nữ.

Hiện nay, mô hình của Hội LHPN huyện Mường Nhé đã thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả; ý thức, trách nhiệm tham gia BVMT của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường như trước đây đã được hạn chế.

Chị Vàng Thị Lu (dân tộc Mông) ở bản Mường Toong, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, cho biết: “Trước đây, tôi chưa quan tâm đến việc phân loại rác tại nhà. Các loại rác thải của gia đình thường để chung vào một túi rồi mang đi vứt bỏ. Từ khi tham gia Tổ Phụ nữ “Biến rác thải nhựa thành tiền”, tôi được các chị trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên thấy được tầm quan trọng của việc phân loại rác. Rác thải bằng nhựa, vỏ lon hay túi ni lông được tôi lựa ra, đựng trong túi riêng, phân loại rác tại nhà không mất nhiều thời gian nhưng có nhiều lợi ích, vừa giúp BVMT, vừa có thêm ít tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Việc làm tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa” – chị Lu nói.

Thực tế cho thấy, hoạt động của mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của chị em trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hoạt động này còn giúp chị em phụ nữ trong từng thôn, bản gắn kết hơn. Từ ý nghĩa này, phong trào đang được Hội LHPN huyện Mường Nhé tiếp tục triển khai, nhân rộng ra các bản và trong cả trường học trên địa bàn.

Năm 2022, hội viên Hội LHPN huyện Mường Nhé đã thu gom được khoảng gần 4 tấn rác thải nhựa, vỏ lon, bìa giấy… xung quỹ trên 50 triệu đồng. Đây là một trong những việc làm thiết thực, ý nghĩa được nhân rộng thành 22 mô hình tại 9/11 xã: Mường Nhé, Mường Toong, Nậm Kè, Nậm Vì, Pá Mỳ, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích