Hiệu quả từ khơi gợi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Phát triển kinh tế – xã hội từ phát huy nội lực

Thôn Tương Chúc nằm ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì. Trong những năm qua, nhân dân trong thôn luôn tích cực tham gia phát triển các ngành nghề, dịch vụ để nâng cao thu nhập và đời sống. Nhờ đó, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bà Vũ Thị Sao – Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Tương Chúc cho biết, đời sống nhân dân thôn từng bước ổn định. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 72 triệu đồng/người/năm, số hộ khá và giàu chiếm 47,3%, số hộ trung bình chiếm 52,7%.

Cùng với phát triển kinh tế, hằng năm, Ban Công tác Mặt trận thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thực hiện tốt 2 Quy tắc ứng xử của Thành phố.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân xã hội hóa, đóng góp kinh phí xây dựng công trình phúc lợi công cộng được đẩy mạnh. Năm 2023 thôn đã đăng ký 3 công trình, phần việc, đến nay 100% công trình thực hiện xã hội hóa trên 4,6 tỷ đồng được nhân dân đồng thuận ủng hộ cao.

Hiệu quả từ khơi gợi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
“Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực để phát triển đất nước.

Tổ chức thực hiện hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở thôn. Tại các hội nghị, nhân dân đã được phát huy đầy đủ quyền dân chủ của mình, trực tiếp đóng góp ý kiến, bàn bạc tất cả các nội dung của công tác xây dựng đời sống văn hóa, nhiều ý kiến tham gia đã đề xuất, hiến kế những nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện có chất lượng và tính khả thi cao.

Trong năm, 100% đám cưới trong thôn thực hiện văn minh, tiến bộ; 9/9 người qua đời được đưa đi hỏa táng đạt tỷ lệ 100%. Qua bình xét thôn đạt Làng văn hóa 5 năm liên tục, trên 95 % hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 100% trẻ em trong độ tuổi được cắp sách đến trường, các tệ nạn xã hội được hạn chế, thôn xóm được bình yên, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh con thứ 3.

Cũng tại thôn Thượng, xã Thanh Liệt, trong những năm qua, Ban Công tác Mặt trận thôn đã không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động, bám sát hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thanh Liệt, sự lãnh đạo của Chi ủy, phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Bởi vậy, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm. Thôn không có hộ cận nghèo.

Cùng với đó, nhân dân trong thôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, 11 năm liền giữ vững danh hiệu văn hoá; 98% gia đình đạt gia đình văn hóa; thực hiện tốt tang, cưới văn minh tiến bộ và lễ hội. Công tác an sinh xã hội trong thôn được đảm bảo.

Hiệu quả từ khơi gợi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Hằng năm, Mặt trận các cấp huyện Thanh Trì đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống, lịch sử.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, thôn Thượng còn làm tốt công tác xây dựng nông thôn bằng vận động xã hội hóa. Bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Trì đánh giá, Ban Công tác Mặt trận thôn đã đạt được những kết quả nổi bật, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa được 45 triệu đồng cải tạo đổ bê tông đoạn đường giáp chùa Quang Phúc và trồng hoa xây dựng quang cảnh xanh – sạch – đẹp.

Còn tại thôn Yên Xá, xã Tân Triều, trong những năm qua, Ban Công tác Mặt trận thôn đã không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các công trình, phần việc sáng tạo thu hút nhân dân tham gia.

Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người 89 triệu đồng/người/năm. Hiện nay trong thôn không còn hộ cận nghèo. Giữ vững danh hiệu Thôn văn hoá 8 năm liên tục. Thực hiện tốt tang, cưới văn minh tiến bộ và lễ hội văn hoá mang đậm văn hóa của địa phương.

Đặc biệt, toàn thôn đã vận động nhân dân xã hội hóa hàng trăm triệu đồng cải tạo nạo vét ao, sửa chữa vỉa hè cổng Trường Mầm non thôn Yên Xá, trang bị thêm thiết bị hội trường nhà văn hoá để tiện cho nhân dân sinh hoạt.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban Công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nguồn lực ủng hộ trên 400 triệu đồng xây sửa nhà ở và dụng cụ trang thiết bị sinh hoạt cho gia đình ông Hoàng Công Đức (thương binh, nạn nhân chất độc da cam) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ngôi nhà ấm áp đảm bảo cuộc sống.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số trong nông thôn, thôn huy động xã hội hoá 40 triệu đồng lắp đặt 8 mắt camera an ninh và 6 điểm wifi tại nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng góp phần đảm bảo về công tác an ninh nông thôn trên địa bàn.

Hiệu quả từ khơi gợi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Rất nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đã và đang tiếp tục thực hiện tốt những chương trình, phần việc, các cuộc vận động nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Đoàn kết để hùng mạnh

“Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở lý luận là những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin về đại đoàn kết: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quyết định thành công của Cách mạng. Người đã nêu ra những luận điểm có tính chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Ông Nguyễn Huy Toàn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cho biết, sự nghiệp đổi mới ngày nay đã đặt ra yêu cầu mới cho tổ chức mặt trận, cùng với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sự ra đời của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực để phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đề nghị Ban Công tác Mặt trận các thôn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát dân nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia giám sát thực hiện luật dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hiệu quả từ khơi gợi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.

Đồng thời, thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch – văn minh. Huy động nguồn lực trong nhân dân xây dựng các công trình công cộng, cải tạo cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp. Giữ vững thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư đoàn kết phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Huy Toàn cũng đề nghị cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm chỉ đạo chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đề án phát triển xã thành phường, huyện thành quận. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Cả nước chung tay Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, tới đây cần phải chăm lo Tết cho nhân dân với phương châm “Mọi nhà, mọi người đều có Tết”.

Đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Tương Chúc, ông Phạm Quý Tiên – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Ngày hội Đại đoàn kết là dịp để chúng ta nhắc nhở nhau cùng tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những lời dạy của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc; vì một mục tiêu chung là thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của xã, huyện và của Thành phố”.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố đã đề nghị toàn thể nhân dân các thôn tiếp tục đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn, xây dựng thôn văn hóa kiểu mẫu. Đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó đóng góp quan trọng hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận trong thời gian tới; góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cần tập trung tổ chức tốt các hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Quan tâm xây dựng kế hoạch chăm lo, phục vụ chu đáo nhân dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn, tình nghĩa, kỷ cương và chăm lo thiết thực đến các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu không có hộ nào trên địa bàn không có Tết.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc – nơi gắn kết cộng đồng thôn, tổ dân phố không chỉ là ngày hội, ngày vui mà còn là dịp kết nối cộng đồng, tổ dân phố gắn kết yêu thương, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chung sức đồng lòng xây dựng thôn, tổ dân phố ngày càng phát triển văn minh.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, toàn thể nhân dân Việt Nam, các thôn, xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho toàn dân được hạnh phúc, ấm no.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích