Hiệu quả chính sách “tam nông” từ Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội
Nhìn lại nửa chặng đường triển khai, trong bối cảnh toàn Thành phố phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, phải tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nên tưởng chừng các mục tiêu Chương trình 04 không thể hoàn thành. Song khi kết thúc đại dịch, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, của cá nhân đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo và sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các cấp, sở, ngành, địa phương có thể nói Chương trình 04 đã đạt nhiều kết quả.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công trình Nhà văn hóa huyện Đông Anh 17/3/2023. (Ảnh: V.Thanh) |
Không chỉ nhiều chỉ tiêu, tiêu chí về nông thôn mới hoàn thành vượt kế hoạch, mà chỉ tính riêng năm 2023, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt nông thôn mới và xét lũy kế có 187 xã nông thôn mới nâng cao, 62 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội nói ngắn gọn là cụ thể hóa chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) của Đảng, trong đó các trụ cột chính là xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục và các chính sách an sinh làm cho đời sống người nông dân ngày càng ấm no, nông thôn giàu đẹp. Với quyết tâm cao nhất của toàn hệ thống chính trị, những ngày chuẩn bị khép lại năm 2023, có thể nói, đi đâu trên khắp các làng quê ngoại thành, chúng ta đều thấy một bộ mặt tươi mới của nông thôn Hà Nội. Từ kết cấu hạ tầng (điện – đường – trường – trạm) đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và hệ thống an sinh xã hội tất cả đều khoác lên mình bộ áo mới.
Ba Vì là một ví dụ điển hình. Là huyện bán sơn địa của thành phố Hà Nội, điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Chương trình 04, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì, đến tháng 9/2023, huyện đã được Chính phủ công nhận nông thôn mới.
Một góc làng quê Ba Vì xanh, sạch, đẹp điển hình của Nông thôn mới Thủ đô. |
Minh chứng sinh động nhất, thu nhập bình quân toàn huyện năm 2022 đạt 55,6 triệu đồng/người/năm (tăng 43,1 triệu đồng so với năm 2010). Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng và phát triển, giai đoạn 2011 – 2015 tăng 5,9%; giai đoạn 2016 – 2020 tăng 9,8%/năm. Ba Vì đang phấn đấu trở thành nông thôn mới kiểu mẫu, trục tăng trưởng xanh của Thành phố.
Để chính sách tam nông đạt được hiệu quả cao nhất, bên cạnh việc tiếp tục triển khai chương trình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy xác định những mục tiêu và hướng đi trọng điểm thời gian tới đó là phải tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với dồn điền đổi thửa để tạo ra nhưng cánh đồng mẫu lớn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất; phát triển du lịch – dịch vụ; khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với các sản phẩm chủ lực; tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng; “phủ sóng” nước sạch sinh hoạt nông thôn, xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào nông nghiệp – nông thôn – nông dân để góp phần xây dựng chính quyền số – xã hội số – kinh tế số…
Việc dồn điền đổi thửa để tạo ra những cánh đồng lớn đưa công nghệ hiện đại vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến… sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 04. (Ảnh: Bảo Thoa) |
Dù Chương trình 04 của Thành ủy mới đi được hơn 1/2 quãng đường, nhưng có thể khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, về thực hiện chính sách tam nông mà những đổi thay trên mọi lĩnh vực ở nông thôn là câu trả lời khách quan nhất. Đây là cơ sở để Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và toàn hệ thống chính trị triển khai chính sách tam nông của Thủ đô hiệu quả; xứng đáng là mẫu hình để các địa phương cả nước có thể tham khảo. Đặc biệt, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng thành công Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Nguồn: Báo lao động thủ đô