Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam tổ chức thành công hội nghị thường niên năm 2024

(Xây dựng) – Ngày 31/5/2024, Hội nghị thường niên năm 2024 của Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam (VPIA) đã diễn ra thành công tại Khách sạn Grand Saigon, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị tập trung tổng kết công tác năm 2023 và triển khai dự thảo chương trình hành động năm 2024.

Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam tổ chức thành công hội nghị thường niên năm 2024
Các thành viên tham dự Hội nghị thường niên Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch VPIA; ông Vương Bắc Đẩu, Phó Chủ tịch Thường trực VPIA; ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng Thư ký VPIA; bà Trần Thị Thanh Thanh, ông Nguyễn Thanh Hải, ông Nguyễn Tiến Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành VPIA; ông Tạ Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội Vụ; ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương, cùng hàng trăm đại biểu đại diện các doanh nghiệp ngành Sơn, ngành Mực in trên khắp cả nước.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị, thông qua chương trình Hội nghị và báo cáo tổng kết hoạt động Hiệp hội năm 2023. Tổng kết qua tình hình kinh tế năm 2023, bà cho biết: “Tình hình kinh tế khó khăn bào mòn tích lũy trong dân cư phía Nam từ năm 2020, ngấm dần và lộ rõ ra phía Bắc năm 2023. Đồng thời tâm lý dè dặt và bao trùm khiến nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà trong dân giảm sút rõ rệt khắp cả hai miền.”

Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam tổ chức thành công hội nghị thường niên năm 2024
Ban lãnh đạo Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam.

Ngành sơn trang trí ước tính giảm 23% về sản lượng so với năm 2022, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp có tăng trưởng dương; phần còn lại đều có mức tăng trưởng âm với các chỉ số khác biệt nhau rõ rệt. Các doanh nghiệp phía Bắc ghi nhận mức tăng trưởng âm từ 25% – 30%; trong khi các doanh nghiệp phía Nam có mức giảm sâu hơn trên 30%; thậm chí có doanh nghiệp giảm lên đến 50%.

Theo kết quả từ Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam ghi nhận, ngành sơn gỗ ước tính giảm 29%; ngành sơn bột tĩnh điện giảm 25%; chỉ duy nhất ngành sơn cuộn vấn giữ được phong độ so với năm 2022. Sản lượng toàn ngành sơn phủ ước tính đạt 454 triệu lít, giảm gần 21% và giá trị toàn ngành ước tính đạt US $ 1,559 triệu, ước giảm 19% so với năm 2022.

Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam tổ chức thành công hội nghị thường niên năm 2024
Biểu đồ sản lượng ngành sơn phủ năm 2023.

Với ngành mực in năm 2023, sản lượng ước tính khoảng 41,190MT (sản xuất trong nước) giảm hơn 6% so với năm 2022 và giá trị ước đạt US $ 110 triệu, giảm gần 12% so với năm 2022.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, vai trò của Hiệp hội Sơn – Mực in càng trở nên quan trọng với những thành tựu nổi bật có thể kể đến như: Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam; Nâng cao năng lực và đánh giá thị trường Sơn – Mực in Việt Nam; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho Hội viên; Nâng cao vai trò của Hiệp hội trong việc tham gia ý kiến xây dựng văn bản, chính sách liên quan đến hoạt động ngành; Nâng cao trách nhiệm xã hội và cộng đồng; Cung cấp các thông tin về kinh tế xã hội, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành cho hội viên nhanh chóng và kịp thời.

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, Hiệp hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của mình trong việc chưa đưa ra những hoạt động đột phá nhằm thu hút sự quan tâm của Hội viên hay công tác tham vấn ý kiến Hội viên cho các chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến ngành nghề, quyền lợi của doanh nghiệp, trong các hoạt động của Hiệp hội vẫn chưa nhận được nhiều sự phản hồi từ hội viên.

Trên tinh thần nhìn nhận thẳng thắn những điểm hạn chế và hướng tới cải thiện để phát triển, Hiệp hội đã thông qua dự thảo chương trình hành động năm 2024. Theo đó, chương trình hoạt động 2024 sẽ tập trung vào các công tác sau: Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam; Định hướng các doanh nghiệp Hội viên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, các sản phẩm xanh; Nâng cao vai trò của Hiệp hội trong việc tham gia ý kiến xây dựng văn bản, chính sách liên quan đến hoạt động ngành; Thông tin tốt hơn về thị trường; Tăng cường tham vấn ý kiến Hội viên; Tăng cường công tác truyền thông; Nâng cao các hoạt động chuyên môn trong ngành Sơn – Mực in; Nâng cao trách nhiệm xã hội và cộng đồng trong nội bộ ngành Sơn – Mực in; Tổ chức thêm các hoạt động giao lưu, tổ chức các hoạt động gặp mặt toàn thể hội viên……

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích