Hiệp hội Môi trường Đô thị và KCN Việt Nam tổ chức Hội nghi tổng kết công tác năm 2023
Hiệp hội Môi trường Đô thị và KCN Việt Nam tổ chức Hội nghi tổng kết công tác năm 2023
Ngày 19/1/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Hiệp hội) tổ chức Hội nghi tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024
Tham dự có GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường Đô thị và KCN Việt Nam; Các Phó Chủ tịch: Nguyễn Hữu Tiến, Huỳnh Minh Nhựt, Nguyễn Hồng Sơn; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội Khu vực; Các ông, bà trong BTV, BCH VUREIA.
Công tác năm 2023
Trong năm 2023, tình hình kinh tế – xã hội ở đất nước ta còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động môi trường đô thị tiếp tục chịu nhiều áp lực nhưng các đơn vị hội viên ý thức được trách nhiệm, luôn vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Tại các Hội khu vực, các đơn vị hội viên đã chủ động trong việc thực hiện đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường như: đầu tư xe quét hút, xe tưới rửa đường, xe hút bùn…phát triển và khai thác hết công suất các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, các bãi chôn lấp, xử lý rác và tái chế chất thải theo công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng lò đốt rác công nghiệp độc hại, rác y tế … với công nghệ hiện đại nhất hiện nay đã góp phần cho hoạt động của các Hội khu vực ngày càng hiệu quả.
Đặc biệt, trong việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, số hóa dữ liệu trong công tác tổ chức, quản lý vệ sinh môi trường tại một số chi hội đã thể góp phần đổi mới, tạo khả năng cạnh tranh ; có nhiều điểm sáng tại các địa phương trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, nâng cấp các phương tiện thu gom vận chuyển, nâng cấp năng lực các bãi chôn lấp.
Thực tế việc quản lý và xử lý rác thải ở từng đơn vị hội viên mặc dù đã có nhiều tiến bộ, cố gắng nhưng chưa ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi của xã hội ngày càng cao. Phân loại rác từ đầu nguồn, thực sự còn khó khăn và chưa thật sự đem lại hiệu quả đối với nhiều địa phương. Rác thải được thu gom còn lẫn lộn nhiều thành phần nên việc tái chế cũng còn là bài toán khó, ngoại trừ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý bằng công nghệ lò đốt.
Hiện nay việc xử lý chất thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện chỉ có 2 đơn vị tại thành phố Hà Nội nhà máy điện rác Thiên Ý tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) đã chính thức vận hành lò đốt với công suất xử lý đốt rác là 5.000 tấn/ngày đêm và hòa lưới điện quốc gia để vận hành với công suất phát điện đốt rác là 50MW và thành phố Cần Thơ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện do Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB thực hện (với công suất xử lý 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 7,5MW hòa vào lưới điện quốc gia) chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong xử lý rác sinh hoạt.
Phần lớn rác thải đô thị vẫn phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh có tấm lót đáy HDPE, phủ đất trung gian để ngăn mùi hôi phát tán, tách được nước rỉ rác để xử lý đạt tiêu chuẩn quy định và có sự kiểm tra giám sát trước khi xả thải, không gây ô nhiểm môi trường nước trong khu vực chung quanh bãi xử lý.
Hiệp Hội đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp các khu vực đẩy mạnh giao lưu, hỗ trợ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với đơn vị hội viên, các tổ chức môi trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện để các đơn vị tham gia học tập cũng như thông tin, giới thiệu các dự án, các công nghệ mới để nghiên cứu áp dụng, giúp cho công tác quản lý về vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Hiệp hội tích cực và chủ động tham gia đóng góp ý kiến về định mức, đơn giá, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật với Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường đô thị của cả nước.
Tổ chức đoàn công tác do Hiệp hội MTĐT&KCN Việt Nam tham dự Triển lãm quốc tế về giải pháp bảo vệ môi trường – Weitec 2023 từ ngày ngày 5 – 7/6/2023 tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Trong năm 2023, các Hội khu vực đã tổ chức thành công Hội nghị môi trường đô thị để tổng kết công tác giai đoạn 2018-2023, kiện toàn công tác tổ chức, bầu Ban Chấp hành, Ban lãnh đạo mới nhiệm kỳ 2024 -2028.
Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tổ chức Giải bóng đá Môi trường đô thị lần thứ II thành công tốt đẹp tạo không khí phấn khởi, đoàn kết giữa các đơn vị hội viên trong toàn quốc.
Giải thưởng Cây Chổi vàng mùa thứ 4-2023 do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức đã vinh danh 40 công nhân môi trường đô thị có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.
Ngoài ra, trong năm 2023, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cũng đã vận động các Nhà tài trợ trao tặng nhà tình nghĩa cho 15 gia đình công nhân môi trường đô thị có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam.
Như vậy, kể từ năm 2017 đến nay, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã vận động tài trợ cho 51 căn nhà tình nghĩa cho công nhân vệ sinh môi trường, với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng.
Chương trình “Cây chổi vàng” rất ý nghĩa và nhân văn sâu sắc. Dù giải thưởng về giá trị vật chất không lớn, nhưng đó là sự nỗ lực, cố gắng của Ban tổ chức chương trình và là món quà tinh thần hết sức ý nghĩa để động viên kịp thời những công nhân vệ sinh môi trường, nhất là nhân dịp tết đến xuân về.
Công tác phát triển hội viên tuy chưa đều khắp tại các Hội khu vực nhưng trong năm 2023 đã kết nạp thêm được 10 đơn vị hội viên mới.
Trong năm 2023, nhân dịp Hội nghị Môi trường đô thị tại các Hội khu vực, Chủ tịch Hiệp hội đã ký Quyết định khen thưởng cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và hoạt động xây dựng Hội khu vực và Hiệp hội.
Công tác chăm lo đời sống, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động được các đơn vị hội viên quan tâm, một số đơn vị đã bảo đảm thu nhập cho người lao động trên 8 tr. đồng /người /tháng. Tuy vậy, tại một số đơn vị do thu nhập thấp nên việc tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn.
Một số công tác trọng tâm trong năm 2024
Trong năm 2024, nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội là tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 – 2028 để kiện toàn tổ chức, bầu Ban Chấp hành, Ban lãnh đạo, Ban Kiểm tra, thành lập một số tổ chức trực thuộc Hiệp hội với tinh thần đổi mới toàn diện phương thức và nội dung hoạt động. để tiến hành cần thực hiện một số công việc sau:
Xây dựng Đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2024 – 2028 trình Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt.
Hiệp thương nhân sự tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ 2024-2028.
Thực hiện Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2018 – 2023 và Chương trình hoạt động nhiệm kỳ mới 2024 – 2028.
Tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc sau khi Đề án đã được Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng phê duyệt, dự kiến vào cuối tháng 03/2024.
Đồng tổ chức từ 1-2 Hội thảo với Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số chính sách, tiêu chuẩn, định mức, chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật đáp ứng tình hình thực tế của công tác vệ sinh môi trường đô thị; về công tác quản lý, đổi mới công nghệ xử lý chất thải đô thị, thẩm định công nghệ mới tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện công tác môi trường đô thị và khu công nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.
Tiếp tục đăng ký với Bộ Xây dựng, mở mối liên hệ với nguồn vốn sự nghiệp môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn đô thị, rác thải nông thôn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới môi trường, đặc biệt tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, duyên hải miền Trung.
Tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực môi trường đô thị.
Tiếp tục tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn và cấp Chứng chỉ cho các học viên nhằm cập nhật thông tin về công nghệ xử lý chất thải rắn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý của đội ngũ cán bộ, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp thực hiện công tác môi trường đô thị và khu công nghiệp.
Tổ chức hội nghị giao ban thường xuyên giữa Thường trực Hiệp hội và lãnh đạo các Hội khu vực để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động, tiếp nhận thông tin, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động; thành lập các tổ tư vấn chuyên môn tại các Hội khu vực, tại các đơn vị hội viên khu vực để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tiếp nhận thông tin đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn, tăng cường giao lưu văn thể giữa các đơn vị hội viên trong khu vực tạo không khí đoàn kết, phấn khởi, hỗ trợ nhau trong hoạt động.
Tiếp tục khai thác các mối quan hệ quốc tế đã được thiết lập đặc biệt là các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Phần Lan… để tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cán bộ.
Tổ chức các đoàn tham dự triển lãm chuyên ngành môi trường và học tập kinh nghiệm tại các nước Đài Loan, Đức
Kêu gọi các đối tác nước ngoài phối hợp thực hiện các dự án trong lĩnh vực môi trường đô thị và các lĩnh vực có liên quan. Tổ chức các chuyến tham quan nước ngoài cho hội viên nhằm tiếp cận thông tin về công nghệ xử lý tiên tiến, công nghệ tái chế…
Tổ chức 03 đoàn công tác của lãnh đạo Hiệp hội đến thăm và làm việc với một số đơn vị tại các Hội khu vực, đặc biệt là các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
Bước vào năm 2024, năm bản lề của đất nước trong hoạt động kinh tế – xã hội, lãnh đạo Hiệp hội MTĐT &KCN Việt Nam kêu gọi các đơn vị hội viên với khí thế đổi mới, tinh thần sáng tạo, hiệu quả, vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm các đô thị luôn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp và sự nghiệp bảo vệ môi trường,phát triển bền vững của đất nước ./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị